Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, điện gió ngoài khơi đang là một trong những ngành công nghiệp năng lượng dẫn đầu của thế giới với những bước tiến quan trọng về công nghệ, hiệu quả chuỗi cung ứng và hạ tầng dịch vụ.
Mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2030 của Việt Nam là từ 3.000 -5.000 MW, năm 2045 khoảng 21.000 MW. Do đó, điện gió ngoài khơi cần cơ chế đặc thù để phát triển.
Tuy nhiên, quá trình phát triển các trang trại điện gió còn nhiều thách thức và rào cản cần có giải pháp cụ thể để giải quyết, đặc biệt là những dự án với quy mô lớn. Tọa đàm là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học đưa ra các kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường và xã hội. Từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Theo Tiến sỹ khoa học Phan Xuân Dũng, tại dự thảo quy hoạch điện VIII, lần đầu tiên, điện gió ngoài khơi đã được định nghĩa là các dự án điện gió tại khu vực có độ sâu đáy biển từ 20 m trở lên. Tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm đến gần 30% tổng nguồn điện đến năm 2030. Tuy nhiên đối với điện gió ngoài khơi theo kịch bản cơ sở thì đến năm 2030 công suất lắp đặt chỉ chiếm 1,45% và đối với kịch bản cao là 2% công suất điện gió ngoài khơi.
Việt Nam khi đó sẽ được hưởng lợi từ phát triển điện gió ngoài khơi với chi phí năng lượng quy chiếu giảm dần, tạo việc làm mới, thu hút vốn đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm phát thải khí các bon (CO2).
Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường đến phát triển điện gió ngoài khơi, bà Cao Thị Thu Yến, đại diện nhóm nghiên cứu Khảo sát “Tiềm năng chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam” thuộc Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIET) cho rằng, hiện Việt Nam đã có các quy định liên quan trong một số Luật: Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng sửa đổi 2020.
Những bất cập trong việc thực hiện một số vấn đề của quy định môi trường và xã hội như: Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường có sự chênh lệch chất lượng so với tiêu chuẩn quốc tế; nội dung về sinh thái và xã hội chưa có hướng dẫn cụ thể; chưa có hướng dẫn riêng cho điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, giám sát môi trường chỉ được quy định chung, chủ yếu với các thành phần vật lý; chưa có quy định về lập kế hoạch hành động để cụ thể hóa kế hoạch quản lý môi trường; chưa có quy định cụ thể đối với giai đoạn tháo gỡ.
Bà Cao Thị Thu Yến nhấn mạnh, Báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường là tài liệu quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi. Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chi tiết hóa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường về đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho điện gió ngoài khơi bằng một khung hướng dẫn riêng.
Đồng thời hoàn thiện khung hướng dẫn chung về đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế và phát triển khung hướng dẫn đánh giá tác động môi trường đặc thù tiêng cho dự án điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành quy định về việc triển khai lập hệ thống quản lý môi trường và xã hội (gồm các kế hoạch, hành động môi trường và xã hội) trước khi tiến hành xây lắp của dự án…
Tại Tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện hệ thống cơ sở pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản xuất, xây lắp và vận hành, bảo dưỡng điện gió ngoài khơi còn thiếu; cần thiết lập quy trình phát triển dự án dưới hình thức một cửa đảm bảo sự thống nhất về mặt luật pháp và hiệu quả trong đầu tư. Cơ chế mua điện gió ngoài khơi cũng sẽ là động lực quan trọng để kích thích thị trường phát triển. Ngoài ra, phát triển điện gió ngoài khơi cần dựa trên chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp và dịch vụ hậu cần hàng hải siêu trường siêu trọng và nhận định cơ hội kinh doanh, tham gia chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò quyết định sự thành công của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, các diễn giả và đại biểu tham gia cũng thảo luận và đưa ra những giải pháp cụ thể như: Nhà nước cần có cơ chế đặc thù để áp dụng cho mục tiêu phát triển trang trại điện gió ngoài khơi. Bởi năng lượng điện gió mang tính lợi ích bền vững, vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng vừa nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của công dân trong thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Tuy nhiên, để khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này, Chính phủ cần có những quy định rõ ràng, phân biệt khu vực biển gần bờ và ngoài khơi để có chính sách phát triển điện gió phù hợp với thực tiễn. Về lâu dài, rủi ro xây dựng công trình trên biển chắc chắn có thể giảm theo sự tiến bộ khoa học công nghệ; nhưng rủi ro về chính sách và quy định vẫn có liên quan đối với các nhà đầu tư nếu các nhà hoạch định chính sách không giải quyết những vấn đề này một cách thỏa đáng.