Theo SASCO, sau khi hoàn tất, dự án sẽ tạo bộ mặt tươi mới, là điểm nhấn lịch sử với các đường nét hoài cổ.
Công ty cho biết sẽ bố trí lại công năng phù hợp hơn, đồng thời bổ sung một số dịch vụ cao cấp tương tự sân bay như phòng khách, tủ giữ đồ… để định hướng lại hành vi sử dụng đường sắt theo hướng hiện đại, tiệm cận các nước tiên tiến.
Cụ thể nhà ga sẽ sử dụng các cổng vòm để “kết nối được quá khứ và hiện tại”. Các cổng vòm sẽ xuất hiện chủ đạo trong việc cải tạo mặt tiền. Dự án cũng sử dụng gạch bông kiểu xưa để lát nền nhà ga và các quán cà phê, quán ăn nhỏ...
Các mảng xanh được bố trí xen kẽ, tạo không khí mát mẻ và thoải mái, giúp du khách thư giãn trước chuyến hành trình dài. Các bồn tiểu cảnh xanh, ghế băng hoặc các phân khu chức năng được thiết kế đảm bảo tính linh động trong quá trình vận hành.
Dự án giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến hệ kết cấu chịu lực của nhà ga mà chỉ cải tạo và bố trí lại công năng và nội thất để phù hợp với các mục tiêu.
Trong khi đó khu vực “Gallery” sẽ là khoảng không gian cho tương tác hoặc kinh doanh tùy vào thời điểm hay mục tiêu kinh doanh. Khối tương tác này có tầm nhìn ra khu cách ly nên có thể dùng để triển lãm các sự kiện văn hóa, lịch sử Sài Gòn, ngành Đường Sắt…
Nhà đầu tư kỳ vọng sẽ khởi công dự án vào cuối quý 1/2018 và hoàn thành vào quý 2, với tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng.
Theo Infonet