Đảm bảo công bằng
Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ dự thảo (lần 6) Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Theo đó, Bộ Giao thông đồng ý với ý kiến của các hiệp hội taxi, yêu cầu hoạt động của Grab (xe dưới 9 chỗ thí điểm hợp đồng điện tử) cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi, không thể gọi là loại hình "Hợp đồng điện tử" vì không có trong quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Cụ thể, toàn bộ ôtô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử thì phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi.
Nếu quy định này được chấp thuận, toàn bộ các xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn mào trên nóc như taxi truyền thống. Ngoài các xe như Grab sẽ phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi...
Trao đổi với báo Lao Động, chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng Võ Thành Nhân cho rằng, việc này nên thực hiện từ lâu để đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cũng bày tỏ mong muốn chính phủ sớm thông qua Nghị định, có những quy định chặt chẽ hơn đối với các loại hình xe điện tử.
"Còn gì là 4.0"
Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc quản lý Grab như taxi truyền thống là không hợp lý.
Theo ông Liên, trong thời gian vừa qua, chính người dùng được hưởng lợi khi Grab vào cạnh trạnh tại thị trường Việt Nam. Việc Grab ra nhập thị trường khiến cho người dân di chuyển thuận lợi, với cước phí rẻ, buộc các doanh nghiệp vận tải khác phải có những chính sách ưu đãi hơn đối với người dùng.
Không chỉ riêng Grab, khi thị trường Việt Nam đón càng nhiều hãng taxi công nghệ vào cạnh tranh thì người dân càng có lợi. Sự cạnh tranh sẽ khiến cho các hãng chú trọng đến việc chăm sóc khách hàng từ chính sách đến giá cả. Khách hàng sẽ có sự lựa chọn phong phú, tránh sự độc chiếm thị trường.
“Nếu giờ chúng ta quản lý Grab như taxi truyền thống thì tất cả về con số 0, còn gọi gì là 4.0”, ông Liên nói.
Đồng thời ông Liên cũng bày tỏ lo lắng, nếu quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống thì rất có nguy cơ các hãng xe công nghệ này sẽ rút khỏi thị trường Việt Nam. Khi Grab được định danh là công ty vận tải, yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ tạo gánh nặng cho việc thực hiện.
Để vận hành như một doanh nghiệp bình thường, Grab sẽ phải tăng chi phí, tăng con người, tăng bộ máy, đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng sẽ không còn được hưởng lợi từ việc đi xe công nghệ giá rẻ nữa.
Ông Liên cho rằng, chúng ta nên quản lý xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.