Báo động ngộ độc rượu chứa methanol
Chỉ trong mấy tháng đầu năm 2017 đã có 19 trường hợp tử vong và hơn 70 ca ngộ độc rượu methanol. Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 33 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu methanol; trong đó 9 người tử vong.
Trước đây, Trung tâm vẫn ghi nhận rải rác những ca ngộ độc nhưng gần đây ngày nào cũng có ít nhất 2-3 bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện. Đáng chú ý có đợt đến 7 sinh viên cùng nhập viện vì ngộ độc methanol. Nhiều trường hợp may mắn thoát chết thì cũng để lại di chứng nặng nề.
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, ngộ độc methanol, cồn là chất độc cực mạnh, chỉ cần uống phải từ 5-15ml chất cồn có thể gây ngộ độc nặng; 15ml trở lên là gây mù loà và 30ml có thể gây tử vong. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đặt vấn đề: “Chúng ta không thể cấm uống rượu. Tuy nhiên, quản lý và sử dụng rượu như thế nào để hạn chế tình trạng này”.
Các báo cáo cho thấy, hầu hết các loại rượu đã sử dụng trong các vụ ngộ độc này đều không rõ nguồn gốc, được kinh doanh nhỏ lẻ, bán rong hoặc do người tiêu dùng tự pha chế.
Không rõ ràng cơ quan chịu trách nhiệm
Trong thời gian ngắn vừa qua nhiều vụ ngộ độc, đặc biệt sử dụng rượu methanol gây hậu quả nghiêm trọng, có nơi chết hàng chục người nhưng xác định người đứng ra chịu trách nhiệm rất khó. Vì thế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhận định: “Dù các quy định về quản lý rượu đã có nhiều nhưng chưa thật chặt chẽ, rõ ràng. Ngay cả trong những vụ ngộ độc rượu gây tử vong thời gian qua nhưng ai là người chịu trách nhiệm chính vẫn chưa rõ.
gành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay Công Thương, Công an phải chịu trách nhiệm chính, cần phân định rõ ràng hơn”. Bên cạnh đó, hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn rượu còn hạn chế. Trong đó, Bộ Công thương được phân công quản lý sản xuất, kinh doanh rượu (Luật An toàn thực phẩm); Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND các địa phương quản lý ngộ độc thực phẩm, tác hại về sức khỏe, lạm dụng rượu…
Đề cập đến vấn đề quản lý rượu, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, ngoài việc siết chặt các biện pháp quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu, còn tăng cường khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác vì hiện rất khó để phân biệt được rượu trắng với rượu pha từ cồn công nghiệp methanol.
Tham luận tại hội thảo, bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề xuất: “Chúng ta cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, trong đó tập trung vào kiểm soát quảng cáo rượu, bia, đặc biệt trong bối cảnh mạng xã hội phát triển và chưa được kiểm soát hiệu quả. Mặt khác, quy định cụ thể về điểm bán, giờ bán, quản lý rượu tự nấu/rượu thủ công, kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em, phòng chống uống rượu bia khi lái xe…”.