Khi nào cưỡng chế công trình trái phép ở di tích nhà Vương Hồng Sển: Q.Bình Thạnh chưa có câu trả lời!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 13/11, Ngày Nay đã liên lạc với bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh phụ trách Văn hóa Xã hội, TPHCM, để tìm hiểu thông tin về việc quận này tiến hành cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép, xâm hại di tích nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật.

Qua điện thoại, phóng viên nói rõ muốn tìm hiểu về vụ cưỡng chế này nhưng bà Thái Thị Hồng Nga bảo là đang bận họp hãy nhắn tin. Phóng viên Ngày Nay đã nhắn tin với nội dung: “Được biết quận Bình Thạnh đã làm việc với Sở Văn hoá Thể thao TPHCM về việc cưỡng chế các công trình trái phép ở nhà học giả Vương Hồng Sển (11 Nguyễn Thiện Thuật). Xin hỏi chị về kế hoạch, thời gian cưỡng chế dự kiến vào khi nào ạ. Xin cám ơn chị Hồng Nga, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hoá Xã hội quận Bình Thạnh!”.

Khi nào cưỡng chế công trình trái phép ở di tích nhà Vương Hồng Sển: Q.Bình Thạnh chưa có câu trả lời! ảnh 1

Bên ngoài nhà cụ Vương ở 11 Nguyễn Thiện Thuật, Q.Bình Thạnh bị che khuất bởi bảng hiệu quán nhậu và người buôn bán trên vỉa hè. Ảnh: Thanh Kiều

Như Ngày Nay thông tin, ngày 12/9/2024, ông Hồ Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, TPHCM ký quyết định số 5279/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với căn nhà số 11 Nguyễn Thiện Thuật. Cơ quan chức năng đã đến dán thông báo về quyết định cưỡng chế này tại căn nhà số 11 đường Nguyễn Thiện Thuật. Thời gian khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này.

Thế nhưng đến nay, phóng viên nhiều lần trở lại địa chỉ trên thì tình trạng vẫn không có gì thay đổi, vẫn lộn xộn, bừa bộn, nhếch nhác, các công trình xây trái phép xâm hại di tích này vẫn còn y nguyên như chúng tôi đã phản ánh. Như vậy, những hộ dân và cá nhân đang sinh sống trong các công trình xây dựng trái phép này đã không tự động tháo dỡ, di dời nhằm “khắc phục hậu quả”.

Do đó, chính quyền quận Bình Thạnh sẽ phải tiến hành cưỡng chế theo luật định. Tuy nhiên, để thi hành quyết định số 5279/QĐ-CCXP này, theo quy định hiện hành, với số tiền phải chi từ ngân sách trên 100 triệu đồng thì bắt buộc phải thông qua đấu thầu. Đến thời điểm này, việc đấu thầu vẫn chưa thực hiện xong.

Nguồn tin riêng của Ngày Nay cho hay, các cơ quan chức năng của quận Bình Thạnh dự tính cho việc thực hiện quyết định số 5279/QĐ-CCXP là hơn 280 triệu đồng. Số tiền này để thuê nhà thầu trong việc tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép tại địa chỉ 11 Nguyễn Thiện Thuật nhằm trả lại không gian vốn có của di tích.

Ngôi nhà 11 Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh từng được dân chơi cổ vật, sách quý hiếm biết đến với tên gọi Vân Đường Phủ của học giả Vương Hồng Sển. Vào tháng 8/2003, UBND TPHCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với ngôi nhà này là “Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà cổ dân dụng truyền thống”, nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.

Khi nào cưỡng chế công trình trái phép ở di tích nhà Vương Hồng Sển: Q.Bình Thạnh chưa có câu trả lời! ảnh 2

Bên trong nhà cụ Vương.

Ngôi nhà cổ của cụ Vương có 5 gian 2 chái, ngang 15m, sâu 20m, tọa lạc trên miếng đất diện tích 750m2. Năm 1952, học giả Vương Hồng Sển bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn nhà cổ từ vùng ven Sài Gòn về dựng lại trên mảnh đất này. Sau đó cụ Vương bỏ nhiều công sức tạo dựng để căn nhà mang dáng dấp cổ xưa với những vật dụng trang trí đầy dấu ấn thời gian và trầm tích văn hóa.

Nhưng hàng chục năm qua, trên khuôn viên 750m2 này lại được cho thuê bán quán ăn, quán nhậu và trú ở trong những công trình xây dựng trái phép. Hàng ngày, thay vì di tích này đón khách đến tham quan thì lại đón đủ loại người ra vào tạp nham, đủ mọi thành phần. Dẫn đến chuyện mất vật quý trong nhà mà cụ Vương đã hiến tặng cho Nhà nước, trong đó có 23 tủ sách được niêm phong để tại đây.

Khi 23 tủ sách quý bị mất, Ngày Nay đã nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM) nhưng ông Hoàng Nghị cũng yêu cầu nhắn tin, rồi bảo bận đi công tác. Đến nay, ông Hoàng Nghị không có bất cứ hồi âm nào để giải đáp các thắc mắc của dư luận.

Tính đến chiều ngày 13/11, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch phụ trách Văn hóa xã hội của quận Bình Thạnh, TPHCM, cũng không có câu trả lời nào về “kế hoạch, thời gian cưỡng chế dự kiến vào khi nào” với di tích của học giả Vương Hồng Sển đã hiến cho Nhà nước để làm bảo tàng cổ vật và sách quý hiếm.

TIN LIÊN QUAN
Ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và "cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị khởi tố và bắt tạm giam
Ca sĩ Chi Dân, người mẫu An Tây và "cô tiên" từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương bị khởi tố và bắt tạm giam
(Ngày Nay) - Ngày 14/11, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ca sĩ Chi Dân (tên thật là Nguyễn Trung Hiếu, 35 tuổi), người mẫu An Tây (tên thật là Nguyễn Thị An, 29 tuổi) và “cô tiên” từ thiện Nguyễn Đỗ Trúc Phương (30 tuổi) để điều tra về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Nghệ thuật dân gian vẫn luôn có sức hút đặc biệt
Nghệ thuật dân gian vẫn luôn có sức hút đặc biệt
(Ngày Nay) - Sự thịnh hành của nhiều trào lưu âm nhạc mới khiến âm nhạc truyền thống có nguy cơ bị lãng quên. Nhưng với Đinh Thảo - một trong những người sáng lập CLB Chèo 48h, cô tin rằng, nghệ thuật truyền thống vẫn luôn có sức hút đặc biệt, và cô bị thôi thúc phải xây dựng sân chơi về văn hóa nghệ thuật cổ truyền.
Bảo tồn hát dân ca và múa xoang dân tộc Xơ Đăng
Bảo tồn hát dân ca và múa xoang dân tộc Xơ Đăng
(Ngày Nay) - Trong hai ngày 12 và 13/11, Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum đã mở hai lớp truyền dạy dân ca, dân vũ trong cộng đồng tộc Xơ Đăng cho 60 người tại xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
Oán gia không muốn kẻ thù được khen ngợi
(Ngày Nay) - Người có tâm oán thù thì không mong kẻ thù có danh tiếng, được khen ngợi. Ngược lại, họ còn cầu cho kẻ thù luôn bị tiếng xấu, thậm chí thân bại danh liệt. Âu đó cũng là chuyện thường của thế gian.