Sáng 29/5, quận Ba Đình (Hà Nội) đã long trọng đón Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt “Thăng Long Tứ trấn” – đền Voi Phục, đền Quán Thánh. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội cùng đông đảo nhân dân.
“Thăng Long Tứ trấn” hình thành từ rất sớm, gắn với việc ra đời của kinh đô Thăng Long thời nhà Lý. Đây là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long, ngày đêm bảo vệ cho Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn được yên bình. Đó là đền Bạch Mã trấn ở phía Đông, thờ thần Long Đỗ; đền Voi Phục trấn ở phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương; đền Kim Liên trấn ở phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương và đền Quán Thánh trấn ở phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ.
Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hoá đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật “Thăng Long Tứ trấn”.
Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đền nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả sang Đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương. Đền Voi Phục- Thủ Lệ được Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm Chương thánh Gia Khánh 1065, thờ Đức Thánh Linh Lang Đại Vương.
Tương truyền, trước khi hóa, Ngài gối đầu lên phiến đá thiêng, để lại một vết lõm, hiện thờ ở trong cung cấm. Ngài được nhà Vua sắc phong “Thượng Đẳng Phúc Thần”. Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang đã hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc Nguyên – Mông từ phương Bắc và được vua Trần sắc phong “Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần”.
Đền Quán Thánh nằm tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, được xây dựng vào những năm đầu khi Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là đền Quán Thánh như hiện nay. Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, tương truyền là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông…
Đền được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia đợt đầu năm 1962. Đặc biệt bảo vật quốc gia tượng Huyền Thiên Trấn Vũ được Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2016 càng khẳng định thêm giá trị lịch sử quý giá của di tích đền Quán Thánh.
Tại lễ đón bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến khẳng định: Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt là sự ghi nhận, vinh danh những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của “Thăng Long Tứ Trấn”, đã luôn vững bền, trường tồn cùng với thời gian, góp phần tạo dựng những nét độc đáo, đặc sắc riêng của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình.
Trải qua gần 20 năm liên tục, được gìn giữ, bồi đắp, tôn tạo và hoàn thiện bằng nguồn lực xã hội hoá, hàng chục di tích lịch sử của quận, trong đó có 2 đền Voi Phục và Quán Thánh đã được hoàn thành với quy mô như ngày nay với tổng kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng.Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh chia sẻ niềm vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình, đồng thời đề nghị quận Ba Đình quan tâm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch sử trên địa bàn.
Chủ tịch thành phố cũng nhấn mạnh, quận cần thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy các di tích quốc gia đặc biệt. Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và triển khai đồng bộ các giải pháp tu bổ, tôn tạo di tích có tính thường xuyên, lâu dài, nhằm tạo bước đột phá, lưu lại dấu ấn đậm nét đối với nhân dân Thủ đô, với du khách trong nước và quốc tế. Ban quản lý di tích cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho di tích thực sự kiểu mẫu, văn minh để nơi đây xứng đáng là nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi “Thăng Long Tứ Trấn”.