Vấn đề bỏ hay giữ trường chuyên từng gây tranh cãi cách đây nhiều năm. Khi đó, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhiều người ủng hộ trường chuyên, nơi đào tạo những học sinh xuất sắc nhưng cũng có nhiều ý kiến đòi dẹp bỏ vì để vào trường này khiến học sinh phải luyện thi căng thẳng, áp lực.
Về vấn đề nay, ông Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT) nói rằng, kết luận 242-TB/TW của Bộ Chính trị năm 2009 về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 và Luật Giáo dục năm 2019 đều nêu rõ, trường chuyên dành cho học sinh có kết quả học tập xuất sắc, từ đó sớm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.
“Mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của nhà nước. Như vậy cũng không thể nào có chuyện xã hội hóa được. Chắc chắn nhà nước phải đầu tư để bồi dưỡng tài năng, có nguồn nhân lực chất lượng cao và các nước đều như vậy”, ông Thành nêu rõ.
Cũng theo ông Thành, có hai đối tượng được Nhà nước đầu tư gồm: những người yếu thế và người có tài năng cần được bồi dưỡng (học sinh trường chuyên có trong nhóm này). Quốc gia nào cũng hỗ trợ cho các đối tượng này.
Trường chuyên đào tạo phát triển toàn diện
Về đào tạo, ông Thành cho rằng, những năm trước, các trường chuyên chưa được đầu tư nhiều về thực hành, khi đi dự các kỳ thi quốc tế, điểm lý thuyết của học sinh Việt Nam rất cao nhưng điểm ở phần thực hành lại thấp vì không có điều kiện thực hành trên các thiết bị, lúng túng vì không quen thiết bị.
Tuy nhiên, gần đây, các trường chuyên được đầu tư trang thiết bị thực hành, học sinh được học tập nên điểm thi đã cải thiện. Đây là một trong những minh chứng để thấy được trong trường chuyên, học sinh đã được thực hành với những thiết bị. Tuy nhiên, số lượng học sinh thi quốc tế mỗi năm ở mỗi môn rất ít, chỉ 5-7 em, số lượng học sinh được thi chọn học sinh giỏi quốc gia cũng không nhiều.
Đại đa số học sinh trường chuyên vẫn đang học chương trình bình thường, các em lớp chuyên có thêm phần chuyên sâu ở môn thế mạnh. "Dù vậy, hệ thống trường chuyên đang có cần tận dụng để nhiều em được thụ hưởng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất", ông Thành nói
Vụ trưởng Giáo dục trung học cũng khẳng định, các trường THPT chuyên không chỉ có chất lượng giáo dục tốt mà còn rất tích cực trong các hoạt động thông qua việc thành lập câu lạc bộ từ âm nhạc, mỹ thuật đến thể dục thể thao để học sinh phát triển toàn diện.
Năm học 2018-2019, cả nước có 76 trường chuyên, trong đó 71 trường thuộc Sở GD&ĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học, ngoài ra còn có các khối chuyên thuộc các trường.
Bộ GD&ĐT đang giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng nhóm nghiên cứu khảo sát nhằm có cơ sở khoa học và thực tiễn để nói về hệ thống trường chuyên trong 10 năm qua. Qua đó, Bộ sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên để phát hiện ra những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. “Điều này nhằm xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo”, ông Thành nói.