Cái tên “ tam giác mạch” chẳng hề gợi tả vẻ đẹp của một loài hoa, người ta bảo hoa hồng trắng li ti, cánh chụm lại thành hình chóp nón, có ba mặt tam giác, giữ ở giữa một hạt mạch quý nên thành tên gọi.
Lý giải cho cái tên gọi ấy, người Mông kể về sự tích nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô đi gieo hạt nơi hạ giới, mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa lớn lên cho hạt. Người người lấy hạt về ăn. Khi ngô hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám bản làng.Một hôm mọi người họp nhau lại rồi chia đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Nhiều ngày trôi qua, nhiều nơi đã đến, nhiều hang cùng góc núi đã lục tìm mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng. Một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, từ trước đến giờ chưa ai được ngửi. Mọi người cùng tìm đến khe núi, và ai nấy đều ngỡ ngàng, một rừng hoa li ti trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những cái lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa. Khi kết hạt mọi người đem về ăn thử thấy ngon không kém gì ngô và gạo. Cái bụng đã ngủ yên không đòi ăn nữa. Khói bếp lại bay lên mỗi chiều. Vì cây là họ nhà lúa, lại được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá có hình tam giác, và thế là nó có tên “tam giác mạch”.
Vào đầu tháng 8, sau mùa lúa nương thu hoạch, người dân ở đây bắt đầu gieo hạt tam giác mạch cho đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu thu hoạch. Thân tam giác mạch khi còn non có thể dùng để luộc ăn như rau. Nếu để cây ra hoa, kết quả và thành hạt, khi thu hoạch có thể xay thành bột làm lương thực. Người dân bản địa thường trồng cây để lấy hạt tam giác mạch, trước đây người ta hay làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt.
Năm nay, tam giác mạch nở sớm. Những ngày này, màu trắng hồng của tam giác mạch đã chảy khắp cao nguyên đá Đồng Văn, phủ kín thung lũng Sùng Là, chạy dài tít tắp dọc những con đường đi. Cỡ độ khoảng một tuần nữa thôi, tam giác mạch sẽ nở rộ, khoe sắc tím hồng lấp lánh dưới ánh nắng vùng cao. Những thảm hoa bồng bềnh, tầng tầng lớp lớp phủ kín ruộng bậc thang như chiếc váy tầng nhiều màu của thiếu nữ. Nên mỗi mùa hoa nở, người ta lại í ới rủ nhau đến với Hà Giang, vượt qua cả chặng đường dài chỉ để mong được đứng giữa cánh đồng hoa ngút ngàn, hít hà hương phấn hoa vùng cao.
Người ta chếnh choáng say cảnh, say nụ cười e ấp của thiếu nữ miền sơn cước sau những vạt hoa mong mảnh. Những ngày trời se lạnh, sương mờ phủ kín lối đi, những bông hoa nhỏ xíu ẩn mình trong màn sương mỏng, làm bước chân lữ khách càng thêm ngập ngừng. Tam giác mạch mang một vẻ đẹp giản dị đến hoang sơ như chính vùng đất nơi đây, nhưng ẩn chứa trong đó là một sức sống mãnh liệt của một loài hoa nảy nở từ trong mầm đá. Những chùm hoa bồng bềnh quyến rũ vươn mình khoe sắc che đi cái gai góc của những mỏm đá nhọn hoắt, mang đến cho Hà Giang một vẻ đẹp say đắm lòng người.