Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Đã hơn 2 thập kỷ cầm bút lông, thư pháp gia Kiều Quốc Khánh vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm với “hình” của thư pháp Quốc ngữ nói riêng, và cái tâm của người viết thư pháp nói chung...
Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ

“Mình còn trẻ lắm!”

Lần đầu tới tư gia của nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh tại khu tập thể cũ phường Thanh Xuân Bắc, tôi loay hoay trước những khu “chuồng cọp” san sát nhau, căn nào cũng giống căn nào. Gọi đi gọi lại gần chục cuộc cho anh để nhờ chỉ đường, nhưng cũng phải 15 phút sau, tôi mới tìm thấy căn nhà nhỏ, trước cửa treo tấm biển gỗ khắc dòng chữ “Nguyệt Trà Bút”.

Trong thư phòng của anh, cạnh hai tủ gỗ chất đầy sách Hán học là một kho đựng báo và tạp chí. Đặc biệt, treo kín tường là những tác phẩm thư pháp Quốc ngữ - còn được gọi là thư pháp hiện đại, hay thư pháp Việt, dòng thư pháp mà anh Khánh đã gắn bó suốt hơn 2 thập kỷ qua. Sống giữa một không gian cổ kính, tuổi đời cũng đã ngoại ngũ tuần, nhưng anh Khánh không hề “cổ” chút nào. Anh vận một chiếc áo sơ mi cộc tay, hoạ tiết sặc sỡ, giống một người chuẩn bị đi du lịch biển.

Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ ảnh 1

Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh “phóng bút”. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tôi đam mê viết và vẽ từ nhỏ. Hồi đó, từ sách, vở đến tường nhà, cứ chỗ nào trống là mình lại tiện tay ‘sáng tác’. Bị bố mẹ, thầy cô cho ăn đòn suốt vì tội vẽ bậy!”

Năm 2005, một mối nhân duyên xuất hiện. Cụ Lại Cao Nguyện – nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO Thư pháp Việt Nam, đã mời anh Khánh vào CLB để phát triển thư pháp Quốc ngữ. Từ đó, cái tên “Nguyệt Trà Bút” ngày càng nổi bật trong giới thư pháp Việt Nam. Anh còn là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho con phố ông đồ nổi tiếng một thời, dọc vỉa hè Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khi con phố phải rời vào trong hồ Văn năm 2015, anh lại đảm nhiệm vai trò Trưởng ban khảo tuyển tại các hội chữ Xuân mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nhiều thành tựu, nhưng anh Khánh chưa bao giờ đặt mình lên hàng “cây đa”, “cây đề” trong giới thư pháp Quốc ngữ. Anh tự gọi mình là “lớp trẻ”, là một người mang trách nhiệm truyền ngọn lửa đam mê thư pháp tới những thế hệ sau.

“Mình còn trẻ lắm, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề!”

“Hình” của thư pháp Quốc ngữ

Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, thư pháp Quốc ngữ sẽ không bao giờ sánh được với thư pháp Hán, chỉ có yếu tố tượng thanh mà không có tượng hình. Do đó, thư pháp Quốc ngữ không thể hàm chứa những tầng nghĩa phong phú, sâu sắc đằng sau mỗi con chữ được. Nhưng với anh Khánh, quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm.

“Bất kỳ kiểu chữ nào cũng đều có thể chuyển tải được hình ảnh, vì gốc của các ký tự trên thế giới đều từ hình ảnh mà ra. Thư pháp Quốc ngữ cũng không phải ngoại lệ!”

Dứt lời, anh cầm bút, chấm nhẹ vào nghiên mực và bắt đầu “phóng” hai chữ “Em” và “Mẹ”. Vừa viết, nhà thư pháp vừa ngâm nga hai câu thơ:

Em ơi! Lửa tắt bình khô rượu, đời vắng em rồi say với ai?” (thơ Vũ Hoàng Chương)

Mẹ ngồi chỗ ướt canh sương, chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ.” (ca dao)

Hình ảnh con người trong hai câu thơ hiện lên đầy ẩn ý trên mặt giấy. Một thiếu nữ có mái tóc dài thướt tha, nhẹ nhàng cúi mình múc nước giếng, và một phụ nữ đứng tuổi, cột tóc gọn gàng, khom mình bên bếp lửa. Anh Khánh tiết lộ, đây chính là hai chữ anh dành tặng cho hai người phụ nữ quan trọng nhất cuộc đời mình: mẹ và vợ.

Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ ảnh 2
Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ ảnh 3

Hai chữ “Em” và “Mẹ” qua ngòi bút của nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh. (Ảnh: Việt Khôi)

“Thấy không? Hoàn toàn có hình đấy chứ!”, anh cười.

Ít ai biết, chỉ chưa đầy một phút “múa bút” ấy đã bao hàm công lực của hơn 20 năm khổ luyện. Theo anh, muốn viết thư pháp Quốc ngữ đẹp, ngoài tinh thông thư pháp cổ điển, còn phải thuần thục cả thư pháp châu Âu, còn gọi là calligraphy. Thời gian anh Khánh dành ra để nghiên cứu và tập luyện calligraphy nhiều không kém gì thư pháp Hán. Anh từng là học trò của bậc thầy calligraphy nổi tiếng thế giới, đã dạy thư pháp châu Âu ở hơn 150 nước - bà Margaret Shepherd.

Sau nhiều năm khổ luyện calligraphy, anh Khánh đúc kết ra 3 điểm tinh túy nhất có thể đưa vào thư pháp Quốc ngữ: chân chữ (serif), nét sóng và kỹ pháp (cách cầm bút và đi bút). Chân chữ tạo nên sự vững chãi cho con chữ, nét sóng giúp con chữ thêm mềm mại, uyển chuyển. Còn kỹ pháp của calligraphy giúp người viết làm chủ những chữ cái có đường cong phức tạp như b,v hay r. Nhưng cái khó nhất, là anh Khánh phải học cách “thi triển” những kỹ năng trên bằng bút lông, chứ không phải bút sắt – loại bút “chính thống” của calligraphy.

“Một khi đã kết hợp nhuần nhuyễn được tinh hoa của cả thư pháp Á lẫn Âu, thì chữ của thư pháp Quốc ngữ cũng sẽ có hình, và hàm chứa được nhiều tầng nghĩa như thư pháp Hán. Còn đẹp hay không, còn phải phụ thuộc vào trình độ của người viết.”

Trăn trở, vì chưa tìm được người kế tục

Theo anh Khánh, thư pháp Quốc ngữ đang ở thời kỳ đầu của sự phát triển, nên số lượng người viết xuất hiện nhanh và nhiều như “cỏ sau mưa”. Mỗi người lại có phong cách riêng, mỹ cảm riêng. Do đó, thể dạng thì rất nhiều, nhưng khuôn mẫu, chuẩn mực chung để tất cả cùng noi theo thì chưa có. Anh Khánh cho rằng, nguyên nhân là do đa số người viết chưa thực sự đào sâu nghiên cứu, mà mới chỉ viết để thoả mãn sở thích cá nhân.

“Người viết thư pháp Quốc ngữ phải diễn giải được chữ của mình có nét nào là truyền thống, nét nào là hiện đại, vẻ đẹp và triết lý của chữ nằm ở đâu. Nếu viết chỉ vì ‘thích thế’, thì sẽ không làm được điều này.”

Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ ảnh 4
Đi tìm hình cho thư pháp Quốc ngữ ảnh 5

Một số tác phẩm của thư pháp gia Kiều Quốc Khánh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với tham vọng truyền bá kiểu chữ của mình tới cộng đồng thư pháp, anh Khánh đầu tư rất nhiều thời gian và tâm huyết vào công tác đào tạo. Anh thành lập CLB thư pháp Việt Tâm Bút, mở lớp học viết thư pháp tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám và tại nhà riêng. Đến nay, đã có hàng nghìn học viên “tốt nghiệp”, nhưng nhà thư pháp vẫn chưa tìm ra được người kế tục ưng ý. Vì phần lớn học viên anh từng dạy coi thư pháp chỉ là thú chơi lúc nhàn rỗi, hoặc là công cụ để kiếm chút thu nhập mỗi dịp Tết. Số người thực sự đam mê, quyết tâm theo đuổi đến cùng rất ít.

Ngoài ra, chữ đẹp chưa phải là tất cả, anh Khánh quả quyết. Muốn đạt tới trình độ cao của nghệ thuật thư pháp, một thư pháp gia phải có vốn kiến thức sâu rộng và biết lắng nghe, chia sẻ. Có kiến thức, để chọn được những câu, chữ phù hợp nhất với người xin, sau đó diễn giải toàn bộ nội hàm của câu, chữ đó cho họ. Biết lắng nghe, chia sẻ là để hiểu rõ người xin chữ là người như thế nào, mong muốn của họ là gì.

“Thư pháp gia không chỉ cho vẻ đẹp của chữ, mà còn phải cho được cả ý nghĩa và tinh thần của chữ. Như vậy, chữ mới ‘đắt’.”

Bên cạnh đó, không nên coi nhẹ khả năng trình hiện, tức khả năng trình diễn và tái hiện con chữ trên mặt giấy. Đĩnh đạc, nghiêm cẩn trong phong thái; nhẹ nhàng, khoan thai khi lấy mực; tập trung, nhưng bay bổng khi “phóng bút”. Và kết quả cuối cùng phải là một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh, đẹp về hình thể, lại thâm sâu về ngữ nghĩa... Đó mới là những khoảnh khắc “đắt” nhất, đáng tiền nhất với người xin chữ.

“Một nhà thư pháp giỏi là người có học thức uyên thâm, biết cách lắng nghe, chia sẻ và có khả năng trình hiện tốt. Điều đó chứng tỏ họ có ý thức trui rèn, khổ luyện và học hỏi, sáng tạo không ngừng.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.