Di sản đại diện cho 16 quốc gia Hồi giáo
Cụ thể, trong thông báo đăng tải trên trang mạng chính thức, UNESCO đánh giá thư pháp Arab là phương thức thực hành nghệ thuật viết tay chữ Arab một cách uyển chuyển để truyền tải sự hài hòa, tinh tế và vẻ đẹp. Tính linh hoạt của chữ viết Arab mang lại khả năng biến hóa vô hạn ngay cả trong một từ duy nhất, vì các chữ cái có thể được kéo dài và biến đổi theo nhiều cách để tạo ra các mẫu tự khác nhau.
Trong tuyên bố chính thức do hãng thông tấn Saudi Arabia (SPA) phát đi cùng ngày, Bộ trưởng Văn hóa Saudi Arabia Badr bin Abdullah bin Farhan Al-Saud đã hoan nghênh quyết định của UNESCO, khẳng định động thái này sẽ góp phần phát triển và bảo tồn di sản văn hóa này.
Trước đó, 16 quốc gia Hồi giáo chủ chốt do Saudi Arabia dẫn đầu đã đề nghị UNESCO xem xét công nhận nghệ thuật thư pháp Arab là Di sản văn hóa phi vật thể.
Đại diện Hiệp hội bảo tồn di sản Saudi Arabia, ông Abdelmajid Mahboub cho biết khi công nghệ phát triển, không còn nhiều người viết thư pháp Arab bằng tay, khiến số nghệ nhân thư pháp Arab giảm mạnh. Do đó, sự ghi danh của UNESCO chắc chắn có tác động tích cực trong bảo tồn nét văn hóa truyền thống này.
Theo UNESCO, di sản văn hóa phi vật thể là nhân tố quan trọng trong duy trì đa dạng văn hóa trước bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển. Những di sản này không chỉ mang yếu tố văn hóa mà còn là sự phong phú của tri thức và kỹ năng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nét đặc sắc của thư pháp Arab
Trong lịch sử, môi trường Hồi giáo đã thúc đẩy sự xuất hiện của một loại hình nghệ thuật đặc sắc. Đó chính là nghệ thuật thư pháp Arab, hay còn gọi là thư pháp Hồi giáo. Thư pháp Arab là phép viết chữ của người Arab được nâng lên thành một nghệ thuật, phương tiện để biểu hiện tâm và trí của người dùng bút. Sự phối hợp giữa hình ảnh và ý nghĩa đã tạo ra ý nghĩa ẩn dụ, đây cũng chính là những tấm mạng phủ lên các tác phẩm nghệ thuật Hồi Giáo nói chung và nghệ thuật thư pháp nói riêng.
Nghệ thuật thư pháp Arab đã đạt tới đỉnh cao khi những người nghệ sĩ không chỉ viết thư pháp trên giấy, trong các sách thánh, kinh Qu'ran, mà họ còn viết lên trên các công trình kiến trúc.
Thư pháp Arab trong một văn bản cổ. |
Để đem chữ viết trang trí lên các bức tường là một điều không phải đơn giản, không phải ai cũng có thể làm được, các nghệ sĩ vừa bảo lưu những điều răn dạy của Allah vừa là những người học tập sự sáng tạo của Allah trong việc biến tấu những chữ viết thành những đường nét hài hoà tinh tế để trang trí trong các thánh đường.
Mỗi bức thư pháp là một là một sự bí ẩn ẩn chứa đằng sau những tấm mạng. Chúng ta khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật này cũng như đang thực hiện động tác vén mạng, Thượng đế ẩn sau bảy mươi tấm mạng của ánh sáng và bóng tối, nên càng vén ta càng thấy sự bí ẩn là vô cùng vô tận.
Nhờ vậy mà không khí trong các thánh đường trở nên thiêng liêng hơn, đầy ý nghĩa hơn, các bức tường không còn trở nên đơn điệu nữa, do đó thu hút các giáo dân gắn bó và tôn kính tôn giáo của họ hơn, thánh đường đã trở thành nơi chứa đựng cái đẹp, mà con người thì luôn yêu cái đẹp là vươn tới cái đẹp.