Nắm tay nhau qua “bão dịch”
Bên cạnh khẩu trang, nước rửa tay cũng là mặt hàng khan hiếm trong mùa dịch này, được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm tặng miễn phí cho người dân. Một nhóm các bạn trẻ mà trưởng nhóm là Vũ Tấn Phát, 25 tuổi, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã ngày đêm vất vả sản xuất và tặng hơn 9.000 chai nước rửa tay khô, sản phẩm đã được kiểm định, tặng cho người dân.
Không chỉ thế, nhóm này còn chuyển giao công nghệ làm nước rửa tay cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu nhằm phục vụ cộng đồng. Aroma Garden, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh tinh dầu, thảo dược đã tổ chức trao tặng hàng ngàn chai nước rửa tay quế sát khuẩn cho người dân nhiều tòa nhà tại Hà Nội, đồng thời tăng cường tuyên truyền hiểu biết về kháng khuẩn phòng dịch, doanh nghiệp này và một số doanh nghiệp có tâm khác cũng cam kết giữ nguyên giá thành cũng như chất lượng, không trục lợi trong mùa dịch.
Mấy ngày gần đây, người nông dân gặp nguy khốn khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến giao thương buôn bán, gây tồn đọng nông sản Việt. Những hình ảnh dưa hấu chất đống, bán vài ngàn/kg đầy các lề đường, thanh long ùn ứ, không bán được phải đổ bỏ khiến ai cũng xót xa.
Trong tình cảnh ấy, cộng đồng đã trở thành những hiệp sĩ ra tay “giải cứu” nông sản mùa dịch. Đầu tiên là những tấm ảnh chụp, những lời kêu gọi mua nông sản đang cần “cứu”, vừa giúp người nông dân, vừa tăng cường vitamin, sức đề kháng chống dịch bệnh. Rồi người ta rủ nhau đi mua, có chỗ còn xếp hàng dài chỉ để “giải cứu” dưa hấu, thanh long.
Những tấm ảnh “khoe” mua nông sản để hỗ trợ nông dân xuất hiện trên mạng xã hội, bên cạnh những thông tin dịch bệnh. Nhiều nhóm hoạt động cộng đồng còn thuê hẳn xe, rủ nhau xuống tận vườn thu mua nông sản bị ùn ứ, sau đó đem về thành phố bán cho người dân với mức giá không lợi nhuận. Những chiếc xe căng bảng hiệu “giải cứu nông sản Việt” bắt mắt và khiến người ta ấm lòng vì tình cảm người dân dành cho nhau.
Cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực hết mình nhằm ủng hộ nông sản Việt. Co.op Mart, hệ thống siêu thị phổ biến nhất Việt Nam giải cứu hơn 200 tấn nông sản trong 1 tuần, Big C đặt mục tiêu “giải cứu” 4.000 tấn thanh long và dưa hấu. Nhiều hệ thống siêu thị cũng chung tay hỗ trợ nông dân, đem nông sản Việt đến tay người tiêu dùng.
Ông Kao Siêu Lực, “vua bánh mì” Sài Gòn, với cái tâm hỗ trợ nông dân trồng thanh long cũng đã cho ra đời sản phẩm “bánh mì thanh long” với vị giòn của bánh mì, vị ngọt tự nhiên của trái thanh long. Nếu sản phẩm này được đón nhận, sẽ là một kênh tiêu thị thanh long cho bà con nông dân.
Một vấn đề khá nan giải nảy sinh vào đợt dịch cúm lan rộng, đó là tình trạng thiếu nguồn dự trữ máu, do người dân hạn chế đi lại, đến những nơi đông đúc có thể lây lan vi rút. Thế là, với những lời kêu gọi lan tỏa trên mạng xã hội, người dân đã đồng lòng đi hiến máu, giúp người.
Ngày 9/2 vừa qua, hàng trăm bạn trẻ từ khắp nơi trên địa bàn TP và các tỉnh, thành lân cận đã đổ về Trung tâm Hiến máu Nhân đạo TP.HCM để chờ hiến máu. Ở các điểm hiến máu khác trong cả nước cũng thế và trong đó cũng có không ít nghệ sĩ tham gia hiến máu giúp người.
Cảnh người trẻ xếp hàng chờ hiến máu trong đợt dịch bệnh khiến nhiều người lo lắng, hạn chế đi lại hay tụ tập là một hình ảnh tuyệt vời của những nghĩa cử cao đẹp.
Giữa tâm dịch, trong khi một số nước trên thế giới chấp nhận để công dân nước mình ở lại vùng dịch Trung Quốc để “tạm thời cách ly” với người dân trong nước, thì Việt Nam đã có một quyết định giàu tình người khi đưa những đồng bào đang “mắc kẹt” tại Trung Quốc về nước.
Cùng với đó là các phương án hết sức thận trọng sao cho vừa có thể về nước an toàn, vừa tránh được các nguy cơ lây lan bệnh (nếu có) cho cộng đồng. Và quyết định ấy đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ bởi đại đa số người dân. Hơn bao giờ hết, người ta thấy được tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, tinh thần đoàn kết, cùng nắm tay nhau trong hoạn nạn của những “người chung một nước”.
Mai sau, dịch có đi qua, những người Việt tha hương ở tâm dịch sẽ nhớ lại hôm nay như một kỉ niệm khó quên, rằng đất mẹ luôn giang tay chở che, chào đón những người con dù nguy khó.
Nhưng tin nhắn của Bộ Y tế gửi đến người dân. Những tin nhắn, cuộc gọi của người thân, của bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhở, sẻ chia tình hình dịch bệnh, nhắn nhủ nhau cẩn thận phòng dịch, cố gắng vượt qua… Tất cả đều là những chân tình ấm áp khiến người ta ấm lòng.
Tìm lại những giá trị gia đình
Dịch bệnh gây nhiều thiệt hại, lo âu cũng như mất mát, nhưng có một giá trị tích cực mà nhiều người đang tìm lại giữa “cơn bão” Corona, đó là giá trị gia đình.
Vì dịch bệnh, nhiều gia đình đã có một kì nghỉ dài chưa từng có. Đây là một kì nghỉ “bất đắc dĩ”, nhưng hóa ra lại là một cơ hội cho nhiều gia đình hiểu nhau, thắt chặt tình cảm hơn.
Anh Nguyễn Gia Bình, một doanh nhân ngành bất động sản tại TP.HCM chia sẻ, nhờ dịp dịch này, anh ngừng lại những dự án tất bật quanh năm. Anh nhớ lại lời hứa với vợ và hai con, rằng sẽ đưa gia đình mình đi du lịch biển khi anh thôi bận rộn. Nhưng lời hứa ấy đã hai năm rồi trôi theo các dự án, kế hoạch, cứ khất lần khất lữa.
Lũ trẻ trong một gia đình quây quần vui đùa trong mùa dịch |
Thế là nhân lần “nghỉ dài” này, anh lấy ô tô chở cả nhà đi Vũng Tàu, thuê một căn biệt thự riêng cạnh biển, cho cả nhà có dịp tắm biển, phơi nắng, vận động để tăng cường sức khỏe. Ngày ngày, anh cũng vợ lái xe đi mua hải sản về tự chế biến trong căn bếp của biệt thự, cả nhà cùng thưởng thức bữa cơm bên nhau.
Tối, cả gia đình đi dạo biển, các con anh có cơ hội để thổ lộ, chia sẻ với ba những điều gặp ở trường học, những nỗi lòng tuổi mới lớn. Anh Bình nói, qua một kì tạm hoãn công việc vì dịch, anh nhận ra rằng, mình đã vì công việc mà lơ là gia đình nhiều và tự nhủ mình phải thay đổi.
Còn chị Hoàng Thị Lệ, chủ một cơ sở mẫu giáo tư nhân ở quận 9, quê Cà Mau thì nhờ kì nghỉ mà hơn 12 năm sau khi lấy chồng, chị mới có cơ hội ở bên cha mẹ mình lâu đến thế. “Cứ chồng con, công việc làm ăn cuốn mình đi, quê lại xa Sài Gòn, nên cớ này cớ nọ, mỗi năm tôi về nhà thăm cha mẹ được 2 lần, lần nào cũng vội vội vàng vàng rồi đi ngay.
Lần này nhân dịp trường đóng cửa, được nghỉ lâu, tôi đưa các con về chơi với ông bà hẳn 10 ngày. Cả kí ức tuổi thơ bên cha mẹ như ùa về. Tôi thấy cha mẹ mình vui như chưa bao giờ được vui như thế suốt hơn 10 năm qua, khi ông bà được ăn bữa cơm sum vầy, con cháu quây quần. Thầm nghĩ rằng bấy lâu nay mình đã quá vô tâm. Cha mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời, mà mình cứ vì những vấn đề riêng của mình mà trì hoãn việc thăm nom, chăm sóc…”.
Còn một câu chuyện “vui vui”, là không ít chị em chia sẻ, chồng “ngoan” hẳn, bỏ nhậu nhẹt la cà quán xá vì sợ dịch bệnh. Và thay vì những bữa nhậu bù khú bạn bè, nhiều anh chồng hướng về gia đình, phụ giúp vợ việc nhà vốn đang quá tải vì các con được nghỉ học dài ngày, rồi bắt đầu chú ý nhiều đến việc ở bên cạnh con, dạy con, đưa vợ con đi công viên chơi… Hóa ra, nhiều người vợ cũng “có lợi” không nhỏ giữa nỗi lo dịch bệnh.
Dù vất vả nhiều hơn khi vừa gánh vác chuyện nhà, chăm nom con cái, nhưng các thành viên trong nhà cũng có cơ hội để ở bên nhau lâu hơn, nhiều hơn và từ đó, nhận ra nhiều giá trị quý báu mà vợ chồng, con cái trong cuộc sống hằng ngày vì bận rộn với công việc, học hành mà vô tình lãng quên đi, đó là cảm nhận chung của không ít gia đình trong mùa dịch bệnh, một cảm nhận đầy tươi sáng và tích cực.
Đại dịch còn ở phía trước, diễn biến thì không ai lường được. Nhưng việc lựa chọn cách đối mặt với dịch bệnh thì nằm trong tay mỗi người chúng ta. Và bên cạnh trang thiết bị, kiến thức, thuốc men… còn có một vũ khí lợi hại vô cùng chống dịch bệnh, không gì hơn là tình người, là thương yêu.