Nhóm nghiên cứu của Đại học California ở San Francisco (Mỹ) đã nghiên cứu trên 4.000 người thường xuyên tập một môn thể thao nào đó, trong đó có 2.774 người đi xe đạp, 539 người bơi lội và 789 người chạy bộ.
Nhóm đi xe đạp lại được chia làm hai nhóm: cường độ cao (trung bình 25 dặm/ngày trở lên và đã duy trì hơn 2 năm), cường độ thấp.
Mức độ vận động của nhóm bơi lội và chạy bộ được đánh giá tương đương với nhóm đi xe đạp cường độ thấp.
Các vận động viên được đánh giá khả năng tình dục, sinh sản và tiết niệu. Kết quả cho thấy không hề có việc giảm "khả năng đàn ông", vô sinh hay gặp các vấn đề về tiết niệu như các nghiên cứu sơ bộ trước đó đã nghi ngờ. Đáng chú ý, ở nhóm đạp xe cường độ cao, người ta phát hiện các quý ông này có khả năng cương dương tốt hơn so với trước khi bắt đầu chế độ tập luyện.
Các nhà khoa học cũng khuyên không nên hạ tay lái thấp hơn ghế ngồi vì điều này sẽ khiến người chạy xe thấy đau và tê một số vị trí trên cơ thể.
Nghiên cứu này có vẻ trực tiếp phản bác lại một nghiên cứu khác vào năm 2012 của "người anh em" – Đại học California ở Los Angeles, cho rằng đạp xe là môn thể thao gây ra mất cân bằng hormone, ảnh hưởng khả năng sinh sản; hay một nghiên cứu khác trước đó cho rằng áp lực kéo dài lên cơ quan sinh dục do việc ngồi yên xe đạp sẽ gây ra chấn thương, ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Nghiên cứu mới này được cho là có độ tin cậy cao hơn do hai nghiên cứu trước có kích cỡ mẫu rất nhỏ so với con số 4.000 người được khảo sát lần này.
Theo NLĐ