Sôi động thị trường bảo hiểm mùa dịch COVID019
Trước những diễn biến phức tạp của dịch SARS-CoV-2, Bảo hiểm Bảo Việt đã triển khai chương trình “Tài chính tặng ngay - Chung tay vượt dịch” từ ngày 16/3.
Theo đó, Bảo Việt sẽ hỗ trợ tài chính 20 triệu đồng/ca nhiễm SARS-CoV-2 dành cho một triệu công dân Việt Nam đầu tiên đăng ký tham gia, có độ tuổi từ 18 - 70 tuổi và đang cư trú tại Việt Nam (trên 12 tháng); đã thực hiện khai báo y tế trung thực, chấp hành các quy định về phòng dịch, cách ly của Chính phủ... và tại thời điểm đăng ký không mắc virus SARS-CoV-2.
Thời gian áp dụng chương trình bảo vệ trong vòng 1 tháng kể từ ngày đăng ký, thời gian đăng ký chương trình bảo vệ từ 16/3 đến hết ngày 15/4.
Chương trình bảo vệ sẽ có hiệu lực trong trường hợp người tham gia đăng ký có xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 của cơ sở y tế trực tiếp điều trị. Mỗi công dân được hỗ trợ duy nhất một lần.
Hay như chương trình của Sacombank kết hợp với Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) triển khai sản phẩm bảo hiểm Anti Covid-19 với quyền lợi bảo hiểm lên tới 150 triệu đồng.
Còn Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã kết hợp cùng Công ty bảo hiểm PTI (Bảo hiểm Bưu điện) triển khai gói bảo hiểm ANTI - COVID để đồng hành cùng cộng đồng trong việc bảo vệ bản thân và gia đình trước đại dịch toàn cầu.
PJICO ra mắt bảo hiểm cho người nhiễm Covid-19. Theo PJICO, bảo hiểm Peaceful Life (An nhiên vui sống) có nhiều điểm khác biệt so với các sản phẩm khác của đơn vị. Bên cạnh chi trả cho khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, chương trình này cũng hỗ trợ chi phí cho khách mắc các bệnh thông thường hoặc tai nạn.
Cụ thể, PJICO sẽ chi trả tối đa 200 triệu đồng cho trường hợp tử vong do nCoV. Khách hàng được đảm bảo các quyền lợi như miễn áp dụng thời gian chờ với trường hợp nằm viện hay tử vong do virus corona, hoặc tai nạn; áp dụng thời gian chờ 15 ngày với người mắc bệnh thông thường.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life đã dành tặng khách hàng gói bảo hiểm Corona Guard của Tổng công ty Cổ phần Quân đội (MIC) khi mua gói bảo hiểm nhân thọ “Bảo vệ nhân đôi, an tâm mùa dịch”.
Còn Bảo hiểm Corona++ được phân phối trên nhiều kênh bán hàng: Hệ thống đơn vị thành viên của Bảo hiểm PVI, hệ thống các ngân hàng có hợp tác với Bảo hiểm PVI, hệ thống đại lý cá nhân và đại lý tổ chức như Seabank, TCA, Global Care, Momo…
Hình ảnh chụp lại email bảo hiểm của PVI gửi trong nội bộ có ghi không bán cho một số trường hợp khách hàng cụ thể |
Bộ Tài chính lên tiếng
Vừa qua, dư luận hết sức xôn xao về việc, trong hình chụp email hiển thị nội dung một người giữ cấp trưởng phòng thuộc Bảo hiểm PVI đề nghị các đơn vị thành viên không cấp bảo hiểm Corona++ cho các đối tượng là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên của các cơ sở y tế, khách hàng của các cơ sở y tế (được cơ sở y tế đứng ra mua bảo hiểm hoặc giới thiệu cung cấp bảo hiểm), thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tuyến quốc tế, phi công và phi hành đoàn.
Lý giải về việc này, ông Vũ Văn Thắng (phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo hiểm PVI) cho biết nội dung trong email đang lan truyền trên mạng là của một cán bộ cấp phòng của Bảo hiểm PVI gửi. Tuy nhiên, người soạn nội dung này đã chưa thể hiện đầy đủ, chính xác thông tin, dẫn đến hiểu nhầm đáng tiếc.
PVI có chia nhiều cấp quản lý, mỗi cấp có thẩm quyền khác nhau, trong trường hợp đơn vị thành viên không được phân cấp bảo hiểm Corona++ cho một số đối tượng khách hàng thì không có nghĩa là Tổng công ty Bảo hiểm PVI cũng không bán bảo hiểm cho đối tượng khách hàng đó.
Ông Thắng khẳng định: "Tổng công ty Bảo hiểm PVI luôn sẵn sàng cung cấp sản phẩm bảo hiểm Corona++ cho các đối tượng là bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ nhân viên của các cơ sở y tế, khách hàng của các cơ sở y tế, thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tuyến quốc tế, phi công và phi hành đoàn".
Trước những sôi động mà thị trường bảo hiểm đang diễn ra, các hãng bảo hiểm đua nhau đưa ra những chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng, Bộ Tài chính đã có thông tin cụ thể về những hoạt động của lĩnh vực này.
Theo đó, Cục quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ tài chính vừa có công văn số 73/QLBH-NT lưu ý các công ty bảo hiểm về dịch Covid-19.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 48 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A trong đó có bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 được khám và điều trị miễn phí.
Chính vì thế các doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý trong công tác tuyên truyền hướng dẫn rõ ràng về các chính sách, quyền lợi bảo hiểm liên quan đến dịch bệnh, người tham gia bảo hiểm được tăng cường tránh trường hợp hiểu lầm với các quyền lợi đã được Nhà nước đảm bảo theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, khoản 6 Điều 39 Nghị định số 73/2016 các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ tài chính phê chuẩn trước khi triển khai. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ tài chính phê chuẩn.
Trường hợp sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm nhằm hỗ trợ thêm quyền lợi cho các khách hàng mắc bệnh Covid-19 (miễn thời gian chờ, chi trả thêm quyền lợi, tạm hoãn/gia hạn đóng phí bảo hiểm…) hoặc triển khai sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi liên quan đến dịch bệnh, các doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp hồ sơ xin phê chuẩn sản phẩm, sửa đổi sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Cục quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ ưu tiên thẩm định sản phẩm trình Bộ tài chính phê chuẩn, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp. Như vậy, các ngân hàng, doanh nghiệp bán bảo hiểm Covid-19 sẽ gặp khó khi triển khai dịch vụ này đến với khách hàng.