Việc kinh doanh online đang ổn định, bỗng một ngày, Minh Hằng (Hà Nội) không thể đăng nhập vào Facebook. Màn hình báo tài khoản bị khóa do đã giả mạo người khác, trong khi đây là tài khoản Hằng đã dùng gần 10 năm nay.
Lo lắng việc kinh doanh đình trệ, cô nhờ người quen giúp đỡ và được đưa vào một nhóm trên Facebook với lời giới thiệu "ở đây toàn cao thủ". Tuy nhiên, khi vào nhóm, cô mới biết đây là một nhóm "tricker" - chuyên làm dịch vụ khóa và mở khóa tài khoản Facebook.
Một bài đăng với nội dung "Cần dame nick với giá 70.000 đồng" thu hút hàng chục bình luận, thậm chí có người còn nhận làm với số tiền chỉ 50.000 đông. "Dame", "Rip" là các thuật ngữ của giới này, ám chỉ việc dùng thủ thuật khiến Facebook khóa tài khoản của một ai đó.
"Không thể ngờ tài khoản Facebook đang kiếm về vài chục triệu đồng mỗi tháng của mình lại có thể ra đi chỉ vì 50.000 đồng", Hằng chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến cô bất ngờ hơn là những người quản lý Facebook lại để cho những dịch vụ này tồn tại ngay trên chính nền tảng của họ, đe dọa những thành viên chân chính.
Trong các hội "tricker" tại Việt Nam, dịch vụ phá tài khoản được rao một cách ngang nhiên. Một tài khoản của người bình thường, không nổi tiếng, không kinh doanh, được nhận "phá" với giá 50.000 đến 70.000 đồng. Với các tài khoản thuộc dạng "hot", số tiền có thể lên tới vài trăm nghìn đồng. Người thuê phải thanh toán trước cho người làm dịch vụ qua hình thức thẻ cào, chuyển tiền ngân hàng hoặc ví điện tử. Một vài nhóm có cả bộ phận chuyên đứng ra làm trung gian cho các giao dịch trên để tránh lừa đảo.
Mỗi ngày, một nhóm tricker tại Việt Nam có vài chục bài đăng với các nội dung liên quan đến phá nick Facebook của người khác: Từ thuê "dame", nhận "dame", nhận unlock (lấy lại tài khoản), nhận mua bán nick, thậm chí là mở lớp dạy "dame". Một thành viên đăng đàn "truyền nghề" với học phí 10 triệu đồng, kèm theo lời hứa hẹn mỗi ngày có thể kiếm được từ 2 đến 5 triệu đồng qua việc "rip nick" của người khác. Để tăng uy tín, người này thậm chí còn đăng ảnh khoe các chiến tích mà mình đã đạt được. Những bài đăng như vậy đã tồn tại một thời gian dài mà không hề bị Facebook khoá hoặc xóa.
Anh Thành Trung, một người làm marketing online lâu năm, cho biết, những dịch vụ như vậy đã tồn tại từ rất lâu mà mạng xã hội này chưa có cách giải quyết triệt để. Theo anh, các thủ thuật "chiếm tài khoản" hiện nay thường là: Báo cáo mạo danh, khai tử, đăng nhập bất thường, đăng ảnh vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng... "Trong những trường hợp này, kẻ xấu đã lợi dụng chính cơ chế bảo vệ người dùng của Facebook. Tuy nhiên, mạng xã hội này nên hướng dẫn cách để những người dùng tài khoản thật có thể dễ dàng lấy lại được 'nick' của mình", Trung chia sẻ.
Hồi cuối tháng 7 năm nay, trang DigitalTrends, đã đăng bài viết về vấn nạn "hack nick" trên Facebook và phê phán mạng xã hội này coi thường giá trị tài khoản của người dùng. Khi bị mất nick, người dùng chỉ có cách duy nhất là tìm đến Trung tâm trợ giúp, nhưng tại đây, họ sẽ chỉ được đọc những câu hỏi có sẵn, hoặc kết nối với chatbot chứ không tìm được một sự trợ giúp đúng nghĩa. "Người dùng cũng chỉ là món hàng để bán cho các nhà quảng cáo, vì vậy Facebook có rất ít động lực trong việc bảo vệ người dùng của mình" trang này nhận định.