Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam

Mắm ruốc, mắm cá, mắm còng, mắm tôm,... là những loại mắm tổi tiếng dọc miền đất nước chinh phục được bao thực khách khó tính.
Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam

Mắm ruốc

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 1
Là món mắm gần như đặc trưng của Huế, mắm ruốc tham gia hầu như tất cả các món ăn của vùng đất này.
Song song với món mắm ruốc có màu nâu cánh gián thường thấy, vào mỗi vụ ruốc, người dân địa phương cũng không quên chuẩn bị cho mình một hũ mắm ruốc chua. Mắm ruốc chua khác mắm ruốc mặn ở ruốc được ủ với tỏi và ớt.

Mắm cốt cá

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 2
Nổi tiếng nhất với những chai mắm cốt cá được nhiều du khách mua về làm quà là Cát Bà (Hải Phòng), Phan Thiết (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mỗi nơi sẽ có những bí quyết riêng làm nên vị ngon đặc trưng cho từng loại mắm.
Tuy nhiên, mắm ngon phải là loại được làm từ các loài cá tươi ở biển, sau quá trình ủ, chắt lọc để cho thứ nước cốt vàng sánh và dậy mùi. Nước mắm cốt cá có thể chấm trực tiếp và ăn cùng nhiều món như cá rán, rau luộc, đậu phụ... để tạo vị đậm đà, hoặc pha chế để xào, nấu tạo hương thơm hấp dẫn.
Khi du lịch đến các vùng đặc sản, bạn có thể tham quan các xưởng mắm và mua trực tiếp tại đây nhằm đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Tùy dung tích, mà giá một chai mắm cốt cá dao động từ 50.000 đến 200.000 đồng.

Mắm tôm

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 3
Ở miền Bắc có lẽ không ai là không biết đến mắm tôm, thứ đặc sản có màu sim chín với mùi vị đặc trưng khó lẫn. Nhưng nổi tiếng nhất là mắm tôm Hậu Lộc, Thanh Hóa, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2010. Không làm từ tôm, tép như nhiều nơi khác, nguyên liệu chính của món mắm này là muối và moi biển, được đánh bắt ở vùng biển Hậu Lộc. Bằng phương pháp truyền thống, mắm tôm làm ra có màu tím đặc trưng, sền sệt, mịn, không còn lẫn muối hạt và có mùi thơm, vị ngọt đằm.
Mắm tôm có thể pha đường và cốt chanh để chấm bún, đậu, lòng, thịt chó... hoặc trở thành gia vị cho món bún riêu, bún thang, giả cầy và rựa mận. Một chai mắm tôm Hậu Lộc 500ml có giá khoảng 30.000-50.000 đồng, tùy loại.

Mắm mực

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 4
Có cách chế biến khá đơn giản, song mắm mực được liệt vào danh sách những món mắm chỉ dành đãi người quen. Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc chỉ có thể làm mắm mực từ những con mực còn tươi nguyên. Điều này khá khó khăn bởi những tàu đánh bắt mực thường đi dài ngày nên khi thuyền cập bến, mực không còn đủ điều kiện để làm mắm. Điều đó đồng nghĩa món mắm này phải được ngư dân chế biến ngay trên tàu. Bù lại, hầu như thực khách nào có dịp thưởng thức điều không thể cưỡng hương thơm, vị ngon của món mắm có màu hơi đen này.

Mắm sò

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 5
Sò huyết có mặt ở hầu khắp các vùng, miền, thế nhưng không phải loại sò huyết nào cũng làm được mắm mà chỉ có sò huyết Lăng Cô (Huế) mới có thể chuyển mình thành món mắm có hương thơm độc đáo, dịu nhẹ cùng vị cay quyện trên đầu lưỡi.

Mắm cáy

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 6
Mắm cáy là một đặc sản của Thái Bình, được làm từ thịt cáy, một loại cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Cáy sau khi làm sạch, giã nhuyễn, trộn với muối được ủ kín vào chum, vại 7 đến 10 ngày rồi phơi nắng, phơi sương. Cuối cùng là trộn thêm thính, men rượu để khử mùi hôi và tạo mùi thơm.
Mắm cáy có thể dùng để chấm dưa, cà muối nhưng hợp nhất là rau luộc. Bún mắm cáy với thịt ba chỉ luộc, giò lụa và rau kinh giới cũng rất ngon. Ngoài Thái Bình, đặc sản mắm cáy cũng rất nổi tiếng ở Hải Phòng và Hải Dương. Giá một chai mua về có giá khoảng 100.000-120.000 đồng (loại 1 lít).

Mắm tôm chua

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 7
Là đặc sản miền Trung nhưng mắm tôm chua nổi tiếng nhất vẫn là ở Huế. Món mắm này được làm từ tôm rằn tươi, đem ngâm rượu rồi xóc muối, trộn với riềng, tỏi, ớt cùng chút mắm, đường. Sau thời gian ủ kín, tôm sẽ đổi màu đỏ tươi và thơm nức. Khác với mắm tôm mặn mịn và nhuyễn, mắm tôm chua có màu đỏ và con tôm còn nguyên hình. Bởi thế, khi xếp ra lọ bán, những con tôm cũng được xếp khéo léo sao cho đều và bắt mắt.
Tôm chua Huế có thể ăn với cơm hay bún đều ngon, trong đó không thể thiếu thịt luộc và các loại rau thơm. Nếu muốn mua về, bạn có thể ghé qua chợ Đông Ba với giá 65.000 - 85.000 đồng một hộp.

Mắm nêm

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 8
Nếu đã phải lòng món bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng thì chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được hương vị của mắm nêm hay còn gọi là mắm cái. Để làm món mắm này, cá được ướp muối, sau đó ủ khoảng 3 tháng rồi múc ra chén, thêm đường, chanh, tỏi bằm nhuyễn và ớt nguyên trái dằm vào, trộn đều lên là được. Ngoài bánh tráng cuốn thịt heo, mắm nêm có thể ăn với hầu hết các món làm từ bột như bún, bánh ướt... Đến Đà Nẵng, bạn có thể mua mắm nêm về làm quà ở chợ Cồn hoặc chợ Hàn với giá khoảng 50.000 đồng một chai.

Mắm ba khía

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 9
Ba khía là một loài họ cua có càng to, đặc trưng ở vùng Nam bộ, sống tập trung ở vùng nước lợ, mặn, trải từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía.
Mỗi năm ba khía chỉ "hội" (tập trung) một lần vào 3-4 đêm của tháng 10. Mắm ba khía thường ăn cơm kèm khế chua, gừng và rau thơm.

Mắm rươi

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 10
Nếu ở miền Bắc, rươi được làm thành món chả nổi tiếng thì ở Trà Vinh, loài sên đất này còn được chế biến thành nước mắm đặc sản. Rươi sau khi vớt lên, rửa sạch sẽ được ủ trong lu cùng nước và muối hột, rồi đem phơi nắng khoảng 10-15 ngày. Nước mắm rươi có màu màu vàng óng của mật ong và mùi thơm dịu. Khi ăn chỉ cần vắt thêm chanh, ớt là có thể chấm cùng thịt luộc, rau xanh. Huyện Duyên Hải, Trà Vinh là quê hương của món mắm này, bạn có thể mua về làm quà với giá 20.000-30.0000 đồng một lít.

Mắm còng

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 11
Mắm còng phổ biến ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và là đặc sản nổi tiếng của Long An, Bến Tre, Tiền Giang. Mắm được làm từ con còng - một loại thuộc họ cua, nhỏ. Ở mỗi địa phương, cách thức là mắm sẽ có sự khác biệt nhưng nhìn chung, còng sau khi được tách yếm, có thể phơi nắng rồi cho vào hũ ủ cùng các loại gia vị trong khoảng 45 ngày. Ngoài việc dùng chung với cơm, hay cuốn chấm với thịt luộc, rau sống, bánh tráng, người ta còn dùng mắm còng nguyên chất để tăng vị cho bún riêu. Giá một hộp mắm còng (loại 500 gram) khoảng 80.000-100.000 đồng.

Mắm bò hóc

Điểm danh các loại mắm nổi tiếng từ Bắc vào Nam - anh 12
Mắm hò hóc hay còn gọi là pohook được làm từ cá là một trong những món mắm đặc trưng của người Khmer. Tuy vậy, ngày nay, nó có mặt hầu khắp các gia đình ở Sóc Trăng, Trà Vinh… Mắm pohook có thể ăn vả cùng cơm song cũng có thể kết hợp với hàng trăm nguyên liệu khác để tạo ra hàng ngàn món ăn khác nhau. Một điều thú vị liên quan đến món mắm này là tại Campuchia, nơi xuất xứ của món mắm này, dù nó kết hợp với bất kỳ nguyên liệu gì, thực khách vẫn dễ dàng nhận ra sự có mặt của loại mắm này bởi nó luôn có một đĩa rau, củ sống dọn kèm.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.