Đây là con số cực kỳ ấn tượng bởi phim phát hành vào ngày thường chứ không phải các dịp lễ Tết, Giáng sinh hay kỳ nghỉ dài như phim “Em chưa 18”, “Cua lại vợ bầu”…
Cứ nguyên tác mà… diễn
“Mắt biếc” là bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh, vừa ra rạp trong tháng 12 này. Cốt truyện mộc mạc như tác phẩm văn học khắc họa, Ngạn một chàng thư sinh đem lòng yêu mến cô bạn thân là Hà Lan sở hữu đôi mắt hoang hoải, mênh mông, cuốn hút bất cứ chàng trai nào đứng đối diện. Ngạn cứ mãi giữ thứ tình cảm đó trong tim, không thể tiến xa hơn cũng không thể dừng lại cho dù tận mắt chứng kiến người bạn của mình đem lòng yêu người khác và trót sinh con cho kẻ không đáng được nhận thứ tình cảm đáng quý ấy.
Bộ phim được chuyển thể tương đối trung thành với nguyên tác, chuyển động chầm chậm theo góc nhìn của nhân vật chính Ngạn, thể hiện dòng chảy nội tâm của nhân vật xuyên suốt từ đầu đến cuối. Cấu trúc phim tương đồng với cấu trúc của tiểu thuyết, với một mạch thời gian duy nhất. Theo thống kê, “Mắt biếc’”đạt tỷ lệ lấp đầy các phòng chiếu cực cao, trung bình 50% cho các suất buổi sáng và 90% cho các suất chiếu buổi tối. Đặc biệt tại khu vực miền Trung, phim nổi lên như một hiện tượng phòng vé với những suất chiếu đỏ đèn liên tục. Hiện tại, “Mắt biếc” vẫn đang là tiêu điểm tại các rạp chiếu tuần này.
So với các phim cùng ra rạp trong tháng 12 như: “Oppa, Phiền quá nha” (khởi chiếu ngày 6/12) nói về chủ đề hoán đổi thân xác hài hước giữa nhân vật Ca Dao (Hari Won đóng) và Chan Y ngôi sao đình đám Hàn Quốc hay “Chị chị em em” khởi chiếu ngày 20/12 – một bộ phim giật gân khai thác chuyện tình bí ẩn của hai người phụ nữ xinh đẹp Thiên Kim và Bảo Nhi, thì “Mắt biếc” là một bộ phim dễ xem với phần đông khán giả.
So với bộ phim câu khách “Chị chị em em” tràn ngập cảnh nóng, tác phẩm của Victor Vũ mang đến một dự vị đầy hoài niệm của ký ức, của tình yêu, tình bạn, về nhân tình thế thái... Đối với những ai đã đọc qua tác phẩm văn học “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh, thì bộ phim đã ngay lập tức chiếm được tình cảm tương đối lớn vì đạo diễn nâng niu các chi tiết nhỏ, những tình tiết lãng mạn cũ, giữ nguyên bản gốc.
Trào lưu không mới nhưng chẳng cũ
Trước đó, Victor Vũ đã từng làm mưa làm gió rạp phim với các phim “Cô dâu đại chiến” (2011), “Scandal: Bí mật thảm đỏ” (2012), “Cô dâu đại chiến 2” (2014), “Quả tim máu” (2014), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2015)…
...và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh |
Rõ ràng, nhìn vào doanh thu các bộ phim, dễ thấy phim chuyển thể từ tác phẩm văn học gây tiếng vang lớn, thậm chí ngoài mong đợi của chính đạo diễn và ekip làm phim, như bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Trước đó, bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ một tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Anh cũng đạt doanh thu 50 tỷ đồng chỉ sau hơn 10 ngày công chiếu chứng minh rằng, tác phẩm văn học là “kho thóc” cho điện ảnh nếu đạo diễn biết khai phá, sáng tạo. Những thước phim đẹp và trong trẻo trong “Cô gái đến từ hôm qua” gợi lại cả một ký ức tuổi thơ và những năm tháng cấp 3 cùng diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên, nhạc phim hay trở thành điểm cộng lớn trong lòng công chúng. Tác phẩm văn học đã nổi tiếng được chuyển thể thành phim một lần nữa được khám phá theo cách “đọc” khác, mới mẻ hơn, nghệ thuật hơn.
Trào lưu phim hóa các tác phẩm văn học không còn mới, nó đã được sử dụng từ cách đây hàng chục năm, bắt nguồn từ những tác phẩm đỉnh cao của văn học như “Vợ chồng A Phủ”, “Mẹ vắng nhà”, “Chị Dậu”, “Làng Vũ đại ngày ấy” chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: “Chí Phèo”, “Lão Hạc” và “Trăng sáng”.
Sau đó là hàng loạt các bộ phim lấy tác phẩm văn học làm cảm hứng như: “Mùa lá rụng” của đạo diễn Quốc Trọng dựa theo tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” và một chi tiết nhỏ trong “Đám cưới không giấy giá thú” của nhà văn Ma Văn Kháng. Bộ phim “Đất phương Nam” chuyển thể từ truyện của nhà văn Đoàn Giỏi. Phim “Đảo của dân ngụ cư”- đạo diễn Hồng Ánh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến… Tất cả các bộ phim có sức lôi cuốn mạnh mẽ đều có nguyên tác từ một tác phẩm văn học đã có lượng độc giả nhất định. Vì thế, thay vì đau đầu kiếm một kịch bản hoàn toàn mới, việc chuyển thể phim dựa trên tác phẩm văn học là một hướng đi khôn ngoan, tất nhiên, vẫn cần phải có sự sáng tạo, nhiệt huyết đong đầy của đạo diễn và sự khéo léo chọn dàn diễn viên hợp khuôn với nhân vật của ekip.