Phần mô tả bằng âm thanh sẽ được phát đồng thời trong suốt bộ phim, mô tả hành động khi phim đang diễn ra cho người xem không có khả năng nhìn và theo dõi kịp diễn biến phim.
Trước đó, công nghệ này đã được áp dụng phổ biến trên điện thoại, có thể giúp người mù hình dung rõ hơn về một khung cảnh phim và hiểu được những tín hiệu phi ngôn ngữ, qua đó giúp họ thưởng thức bộ phim tốt hơn.
Theo ước tính, Trung Quốc có khoảng 17 triệu người khiếm thị, nhưng cho đến gần đây, phần lớn các bộ phim Trung Quốc đều không có phần mô tả bằng âm thanh.
Trong hầu hết các trường hợp, các hãng phim không nhận thức được nhu cầu của người mù hoặc không muốn đầu tư vào việc tạo ra phần mô tả bằng âm thanh. Người mù tại Trung Quốc có rất ít cơ hội để được ra rạp xem phim.
Nhưng tình trạng này đang bắt đầu thay đổi, với một số bản phim bom tấn đã tích hợp thêm phần âm thanh mô tả tại 74 rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc, bao gồm các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Ninh Ba, Tô Châu, Trùng Khánh và Thành Đô.
Mặc dù vẫn còn tương đối mới ở Trung Quốc, nhưng phần mô tả bằng âm thanh đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ chính phủ, nhà sản xuất và các nền tảng phát trực tuyến.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc đặt mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ "không rào cản" cho người khuyết tật, bao gồm cả phim có mô tả âm thanh. Các nền tảng phát trực tuyến bao gồm Tencent Video và Youku đã công bố kế hoạch ra mắt "các kênh không rào cản" sẽ cung cấp phần mô tả bằng âm thanh cho hàng trăm bộ phim và chương trình truyền hình nổi tiếng.
"Sẽ thật tuyệt nếu các rạp chiếu phim thương mại có phiên bản không rào cản, với tai nghe bên cạnh ghế ngồi để người khiếm thị có thể nghe phần mô tả bằng âm thanh", khán giả Li Zhijian cho biết. "Tôi không thích các buổi chiếu dành riêng cho người khiếm thị".