PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội:
Bộ cần có hướng dẫn sử dụng Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông
Sau khi Luật giáo dục có hiệu lực, tuỳ theo khả năng, nếu học sinh chỉ có mong muốn hoàn thành chương trình phổ thông mà không muốn học lên đại học thì được cấp giấy chứng nhận. Nhưng vấn đề còn lại là giấy chứng nhận này có giá trị như thế nào. Ví dụ, sau 3 - 5 năm đi làm, người học muốn quay lại thi đại học thì giấy chứng nhận này có giá trị như bằng phổ thông không. Hay thí sinh vẫn phải tham dự kỳ thi xét tốt nghiệp. Hiện nay, nhiều trường cũng xem xét kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT làm căn cứ để xét tuyển, hoặc là một trong những tiêu chí để xét tuyển.
Giấy chứng nhận để cho những học sinh không muốn thi tốt nghiệp và giá trị pháp lý sẽ được quy định sao để người học có thể học liên thông và sử dụng khi đăng ký học nghề. Bộ GD&ĐT nên sớm có những quy định cụ thể về hướng dẫn sử dụng Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới:
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT kết hợp với đánh giá từ nhà trường
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT chỉ giải quyết cho một số trường hợp học sinh không có ý định đi thi đại học. Nhà trường không chỉ dừng lại ở việc xem xét hồ sơ học tập của học sinh, một kỳ thi mà phải xét tới cả quá trình học tập. Từ đó trường quyết định cấp cho học sinh chứng nhận hoàn thành hay không hoàn thành chương trình. Đây được xem như là điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT. Nếu học sinh không qua được điều kiện này thì không được quyền dự thi. Làm rõ được vấn đề này sẽ phân định được việc xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học cho người học hình dung.