Tham dự Diễn đàn có Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Sam Sreirath, đại diện Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), đại diện Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia.
Phát biểu tại Diễn đàn, Đại sứ Vũ Quang Minh cho rằng, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tại mỗi nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành công và có hiệu quả. Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực khác.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng và Đại sứ Vũ Quang Minh tham dự sự kiện. |
“Tôi xin nhấn mạnh là môi trường kinh doanh, đầu tư tại Campuchia đang rất thuận lợi, quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp. Chính vì vậy, đây là một cơ hội vàng cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn nữa tới thị trường Campuchia, các doanh nghiệp mới chưa tham gia thì qua tiếp cận thị trường để tìm cơ hội mới, các doanh nghiệp đang hoạt động thì đây là cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh”, Đại sứ Vũ Quang Minh chỉ ra.
Đại sứ Vũ Quang Minh cũng đã gợi mở về một số mô hình của Việt Nam, theo đó liên kết “Nhà nước, Nhà nông, Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp” nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa một cách hiệu quả và bền vững.
Phát biểu tại sự kiện, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia Sam Sreirath đánh giá cao hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp gắn kết quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa hai nước, góp phần quan trọng giúp kinh tế Campuchia phát triển nhanh chóng, ổn định.
Quốc vụ khanh Sam Sreirath cho biết các Bộ, ngành Campuchia sẵn sàng cung cấp thông tin về chính sách đầu tư, thương mại, giải quyết khó khăn và hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, làm ăn tại Campuchia.
Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Việt Nam – Campuchia lần này là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam, Campuchia có dịp tìm hiểu, giao lưu, kết nối bạn hàng trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, để biến các tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước thành các dự án hiện thực trong thời gian tới.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Nguyễn Xuân Thắng và ông Oknha Lim Heng, phó Chủ tịch phòng thương mại và phát triển Campuchia trao giải và chúc mừng các Doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tiền Phong |
Tại Diễn đàn, gần 50 doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu Việt Nam đã có những đề xuất, tìm hiểu các cơ hội đầu tư và giao thương, cũng như trao đổi với đại diện Bộ Thương mại Campuchia và CDC về các quy định cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là những chia sẻ về đầu tư hạ tầng đô thị với đề xuất thử nghiệm công nghệ làm vỉa hè bằng chất liệu mới của Viện Kỹ thuật Hạ tầng (C.E.I - thành phố Đà Nẵng).
Bên cạnh đó, tiềm năng đất nông nghiệp dồi dào của Campuchia được một số doanh nghiệp dược liệu tham gia diễn đàn rất quan tâm. Trước câu hỏi của một doanh nghiệp Việt Nam về cơ hội đầu tư vùng trồng cây dược liệu, Phó Tổng thư ký CDC Chea Vuthy đã giải đáp về một số nguyên tắc thuê đất đầu tư nông nghiệp tại Campuchia (theo hình thức tô nhượng hoặc thuê lại của doanh nghiệp tư nhân Campuchia). Theo ông Chea Vuthy, Campuchia mong muốn phát triển nhiều vùng cây dược liệu để phục vụ không những nhu cầu nội địa mà cả cho xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, các công ty Việt Nam đã đầu tư khoảng 50 triệu USD vào Vương quốc Campuchia, biến quốc gia láng giềng phía tây nam trở thành điểm đến đầu tư lớn thứ tư của Việt Nam, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Theo đó, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ước tính khoảng 430 triệu USD, tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bán buôn và bán lẻ, cho đến khoa học và công nghệ, bất động sản và nông nghiệp.
Hiện tại, Việt Nam là nhà đầu tư lớn thứ năm của Campuchia, với hơn 200 công ty Việt Nam đang hoạt động tại quốc gia này.
Đầu tư của Việt Nam vào Campuchia chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo hiểm và ngân hàng. Ngoài ra còn có các dự án đầu tư vào các ngành như công nghệ thông tin, hàng không, xây dựng, giao thông, bất động sản, sản xuất và chế biến.
Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen kêu gọi các công ty Việt Nam mở rộng đầu tư, lưu ý rằng Campuchia sở hữu tiềm năng lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại giữa Campuchia và Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD. Đến cuối năm nay, dự kiến sẽ đạt trên 5 tỷ USD.
Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn có đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế và an sinh xã hội của Vương quốc Campuchia.