Nghiệp đoàn PCS cho biết các nhân viên an ninh do Bộ Nội vụ Anh tuyển dụng tại các quầy kiểm tra hộ chiếu sẽ tiến hành đình công tại các sân bay Heathrow và Gatwick của London cùng một số sân bay khác trong khu vực cùng như ở cảng Newhaven. Tổng thư ký PCS Mark Serwotka ước tính số nhân viên tham gia đình công vào khoảng 2.000-3.000 người. Những ngày dịch vụ trên bị gián đoạn rơi vào khoảng thời gian từ ngày 23 đến ngày 26/12 (ngày Boxing Day), và từ ngày 28/12 đến ngày cuối năm 31/12.
Ông Serwotka cho biết quyết định tiến hành đình công vào dịp lễ Giáng sinh cao điểm đồng nghĩa với việc các nhân viên này chấp nhận sẽ không được trả lương, song đây là phương án cuối cùng đối với họ và các nghiệp đoàn cần đảm bảo hành động này gây được sự chú ý.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Di trú Robert Jenrick cho rằng quyết định trên là "không chính đáng" và có thể phá hỏng kế hoạch của hàng nghìn gia đình và doanh nghiệp. Trong một thông báo, ông Jenrick cho biết cơ quan chức năng đang phối hợp với các cảng và sân bay của Anh để chuẩn bị cho mọi tình huống, cũng như đảm bảo giảm thiểu những gián đoạn nếu đình công diễn ra. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các hành khách cần chuẩn bị trước cho tình huống xấu nhất.
Công ty phân tích hàng không Cirium ước tính hơn 10.000 chuyến bay có lịch cất/hạ cánh trong khoảng thời gian từ ngày 23-31/12, phục vụ khoảng 2 triệu lượt hành khách. Người phát ngôn của Heathrow cho biết sân bay đang làm việc với các hãng hàng không và lực lượng biên phòng về kế hoạch giảm thiểu sự gián đoạn. Trong khi đó, đại diện sân bay Gatwick nói rằng sẽ huy động thêm nhân viên để hỗ trợ hành khách vào những ngày đình công, đảm bảo các chuyến bay diễn ra bình thường.
Đình công cũng diễn ra trong ngành đường sắt tại nước này, khi khoảng 40.000 nhân viên tham gia đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, khiến giao thông đường sắt bị gián đoạn nghiêm trọng. Làn sóng đình công đã lan rộng từ lĩnh vực tư nhân đến lĩnh vực công tại Anh trong năm qua, trong bối cảnh đời sống người dân trở nên khó khăn trước sức ép từ khủng hoảng chi phí sinh hoạt và suy thoái kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng tại Anh trong tháng 10 vừa qua tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất trong vòng 41 năm qua.
Chính phủ Anh đã kêu gọi giới chủ doanh nghiệp và các nghiệp đoàn tích cực đàm phán một cách hiệu quả để tránh làm gián đoạn các hoạt động đời sống thường nhật.