Tỷ lệ nghịch với môi trường sống
Theo nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai trên tạp chí JAMA Pediatrics, kết quả này đúng ngay cả khi những đứa trẻ được sinh ra trong "môi trường gia đình lý tưởng", với điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt, điều kiện sống cao hơn và người mẹ có trình độ học vấn cao. Kết quả chỉ ra rằng vóc dáng của trẻ không phải do các yếu tố như điều kiện sống và bệnh tật quyết định.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu chiều cao theo tuổi của hơn 950.000 trẻ em ở 59 quốc gia. Từ đó, họ kết luận rằng những đứa trẻ sống trong môi trường gia đình lý tưởng ở độ cao 500 m so với mực nước biển thì có thể đạt mức tiêu chuẩn về tầm vóc của Tổ chức Y tế Thế giới.
Tuy nhiên, kể từ mức 500 m trở lên thì các chỉ số chiều cao theo tuổi của trẻ bắt đầu giảm. Từ độ cao 1.500 m, trẻ em "sinh ra với chiều dài ngắn hơn và phát triển ở mức thấp hơn" so với trẻ em sống ở những vùng thấp hơn, điều này dẫn đến làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và suy giảm phát triển trao đổi chất.
“Hơn 800 triệu người sống ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, với 2/3 trong số đó ở Châu Phi cận Sahara và Châu Á", Kalle Hirvonen - tác giả của công trình nghiên cứu, cho biết.
Nguyên nhân gây còi cọc
Nghiên cứu kết luận rằng chính việc các bà mẹ sinh sống ở những khu vực có không khí loãng đã ảnh hưởng tới đứa con trong bụng mình.
"Tình trạng thiếu oxy mãn tính, hoặc cung cấp không đủ oxy, có thể dẫn đến nguy cơ hạn chế sự phát triển của thai nhi", tác giả Hirvonen chỉ ra.
Các tác giả nghiên cứu cho biết, kết quả này sẽ khuyến cáo các chuyên gia y tế phối hợp chặt chẽ hơn với phụ nữ mang thai để kiểm soát tác động của độ cao đối với thai nhi.
Đồng tác giả nghiên cứu Kaleab Baye, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng ở Addis Ababa, Ethiopia, cho biết: “Bước đầu tiên của chúng tôi là làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa độ cao, tình trạng thiếu oxy và sự phát triển của thai nhi để xác định các biện pháp can thiệp hiệu quả".