Chỉ trong tuần vừa qua (17-23/6), giá vàng miếng trong nước đã tăng một mạch gần 1,5 triệu đồng/lượng, lên vượt mức 39 triệu đồng. Đây là tuần tăng mạnh nhất của vàng trong nước từ đầu năm đến nay và là mức đỉnh của giá vàng trong 3 năm gần nhất.
Vì sao vàng miếng trong nước tăng mạnh?
Theo lý giải từ các chuyên gia, diễn biến giá vàng trong nước thời gian qua có yếu tố tác động từ bên ngoài nhiều hơn tâm lý thị trường trong nước.
Cụ thể, giá vàng thế giới tăng mạnh là nguyên nhân trực tiếp khiến vàng trong nước tăng. Ước tính, chỉ trong tuần vừa qua, giá vàng thế giới đã tăng gần 50 USD/ounce, khiến thị trường mua bán kim loại quý này trở lên sôi động.
TS.LS Bùi Quang Tín cho rằng giá vàng thế giới tăng có nguyên nhân từ đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
“Nó (cuộc chiến thương mại - PV) đã lan dần ra các nước và có dấu hiệu chuyển từ cuộc chiến tranh thương mại sang chiến tranh về tiền tệ. Điều này buộc ngân hàng trung ương của các nước phát triển phải hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Tín cho hay.
Gần đây nhất là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết sẽ cân nhắc hạ lãi suất cơ bản từ 0% xuống mức âm để hỗ trợ nền kinh tế, trước đó, Nhật Bản cũng có động thái tương tự. Đặc biệt, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) mới đây đã phát đi thông báo sẽ giảm lãi suất thêm khoảng 0,25% trong kỳ họp tới để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này xuất khẩu.
“Ngoài ra, sự kiện Mỹ đe dọa dùng vũ lực với Iran gần đây cũng là tác nhân lớn khiến giá vàng thế giới tăng mạnh”, vị chuyên gia nhận định.
Những yếu tố này tác động khiến giá vàng thế giới tăng mạnh, vàng trong nước hiện vẫn leo theo tỷ giá với vàng thế giới nên khó tránh khỏi xu hướng.
Cũng theo ông Tín, trong tương lại, Trung Quốc có thể không những hạ lãi suất cơ bản mà còn phá giá đồng tiền mạnh hơn nữa để đối trọng với cuộc chiến thương mại.
Riêng năm 2018, khi cuộc chiến thương mại chưa căng thẳng như hiện nay, nước này đã hạ giá 10% đồng Nhân dân tệ. Nên nhiều khả năng năm nay, Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá đồng tiền của mình với tỷ lệ tương đương năm trước đó.
TS. LS Bùi Quang Tín. Ảnh: BizLight. |
Khi Trung Quốc hạ giá đồng tiền, nhiều nước cũng phải hạ theo để giữ được sự cạnh tranh và nó sẽ tác động đến giá vàng, khiến giá tăng lên.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương giảm lãi suất thì FED cũng không đứng yên, mà phải giảm lãi suất khiến giá trị đồng USD giảm.
Trong khi đó, giá vàng thế giới được tính theo đồng USD, khi đồng bạc xanh mất giá sẽ khiến vàng tăng giá.
“Triển vọng kinh tế trong một vài năm tới giá vàng sẽ khó xuống, thậm chí có thể sẽ tăng lên từ các yếu tố quốc tế này”, ông Tín nhấn mạnh.
Vàng trong nước mất mốc 39 triệu đồng/lượng
Trong diễn biến mới nhất liên quan tới giá vàng trong nước hôm nay (24/6), các đơn vị kinh doanh đã ổn định lại giá vàng sau đà tăng sốc của tuần trước đó.
Tính đến cuối chiều 24/6, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá bán ra vàng miếng SJC loại 1-10L tại thị trường TP.HCM ở mức 38,85 triệu đồng/lượng, tương đương giá cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá mua vào được đơn vị này niêm yết thấp hơn 250.000 đồng, hiện ở mức 38,6 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, giá mua vào được SJC giữ nguyên ở mốc 38,6 triệu, nhưng giá bán ra cao hơn 20.000 đồng mỗi lượng so với TP.HCM.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ, doanh nghiệp trước đó niêm yết giá vàng miếng trên 39 triệu đồng/lượng nay cũng đã giảm nhẹ xuống còn mức 38,5 -38,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tuy nhiên, với loại vàng PNJ, giá bán vẫn ở mức 39,25 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá mua – bán giảm nhẹ xuống còn 800.000 đồng/lượng.
Vàng miếng trong nước vừa khép lại một tuần tăng mạnh nhất từ đầu năm. Ảnh: Tùng Tin. |
Tương tự, giá vàng miếng tại các doanh nghiệp lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý… hiện cũng đã về dưới mốc 39 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, hầu hết giá bán ra vẫn leo ở mức 38,8-38,9 triệu đồng mỗi lượng.
Trên thị trường quốc tế, vàng miếng đã khép lại tuần giao dịch ở mức trên 1.400 USD/ounce, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất trong 3 năm. Hiện tại, giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ được niêm yết ở mức 1.406,1 – 1.406,6 USD/ounce, giảm khá nhiều so với phiên giao dịch vào thứ 7 tuần trước (22/6).
Việc giá vàng thế giới tăng mạnh cũng kéo theo làn sóng mua rất mạnh, báo cáo cập nhật của Scotiabank cho biết khi giá vàng tăng lên hơn 1.400 USD/ounce lại thu hút nhiều người mua hơn so với mốc 1.300 USD trước đó.
Dữ liệu của sàn giao dịch Kitco cũng cho biết, việc giá vàng vượt ngưỡng cản kỹ thuật 1.350 USD đã “kích hoạt” một làn sóng mua vào để đóng trạng thái bán khống trước đó, kết hợp với mua để đầu cơ giá lên.
Còn theo Bloomberg, tiền đang chảy mạnh vào thị trường vàng. Từ đầu tháng đến nay, giới đầu tư đã rót khoảng 3 tỷ USD vào các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng.
Tháng 6 cũng là tháng hút vốn mạnh nhất của các ETF vàng kể từ đầu năm đến nay.