Tuy nhiên, sự yên bình của đảo Bundle, nơi sinh sống của một vài con lạc đà, đang có nguy cơ bị đe dọa, với việc Thủ tướng Imran Khan quyết tâm biến nơi này thành một dự án bất động sản khổng lồ để giảm bớt áp lực đối với siêu đô thị đang mở rộng quy mô nhà ở cho 20 triệu người.
Việc phát triển dự án nhà ở trị giá 50 tỷ USD, các nhà hoạt động địa phương và các nhà lập pháp cáo buộc Thủ tướng Pakistan đã không tuân theo những lời cam kết bảo vệ môi trường.
Mahera Omar, một nhà làm phim về môi trường đến từ Karachi, cho biết: “Hãy để thiên nhiên tự phục hồi và đừng mơ về những thành phố vĩ đại. Tất cả chúng tôi đều rất mệt mỏi với khu rừng bê tông quanh mình. Tất cả chúng tôi đều muốn thoát ra ngoài".
Rừng ngập mặn ven biển hoạt động như một hàng rào tự nhiên, hấp thụ năng lượng sóng và hạn chế mức độ ngập lụt cho Karachi.
Các ngư dân Karachi sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp nếu hòn đảo được cải tạo. Ảnh: AFP |
Arif Belgaumi, một kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị nhận định: "Những hòn đảo như Bundle tạo thành một rào cản chống lại các đợt bão và sóng thần. Việc bảo tồn đảo là rất quan trọng đối với việc bảo vệ Karachi".
Thành phố Karachi vốn đã có nguy cơ bị ngập lụt và phải hứng chịu tình trạng lũ lụt thảm khốc trong đợt mưa gió kỷ lục năm nay.
Đảo Bundle bị lũ lụt khi triều cường đặc biệt lớn, vì vậy bất kỳ công trình xây dựng nào cũng sẽ yêu cầu công việc cải tạo có hại cho môi trường, theo kiến trúc sư Belgaumi.
Nhưng chính quyền của Thủ tướng Khan cho rằng dự án sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm tại địa phương và mang lại sự cứu trợ rất cần thiết cho việc mở rộng thành phố Karachi, chưa kể đến nguồn thu thuế mới cho kho bạc của Pakistan.
Những người chỉ trích cho rằng kế hoạch này đi ngược lại cam kết xanh của Thủ tướng Khan, người đã lên tiếng về nguy cơ biến đổi khí hậu và cho ngừng xây dựng một số nhà máy nhiệt điện than nhằm ủng hộ các dự án năng lượng tái tạo, chủ yếu là các đập thủy điện.
Chính phủ Pakistan cũng đã công bố nỗ lực trên toàn quốc để trồng 10 tỷ cây mới vào năm 2023.
Đảo Bundle, nằm ở Biển Ả Rập, vốn không có người ở ngoại trừ một vài con lạc đà và các sinh vật khác. Tuy nhiên, nó đã bị tàn phá bởi quá trình đô thị hóa, bãi biển đầy cát đối diện với Karachi hiện đã bị lấp đầy bởi rác thải từ thành phố.
Rừng ngập mặn được coi là một thành phần quan trọng của môi trường Karachi, nơi đã phải chịu đựng nhiều thập kỷ ô nhiễm và ngập lụt.
"Người dân Karachi thực sự coi rừng ngập mặn như một phần tự nhiên trong cuộc sống của họ", phát ngôn viên chính quyền tỉnh Sindh Murtaza Wahab nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi cảm thấy rất say mê những rừng ngập mặn này."
Đề xuất cải tạo đảo Bundle đã vấp phải sự phản đối trong nhiều năm do chi phí đắt đỏ cùng mức độ phức tạp của dự án.
Một nhóm ngư dân Karachi cũng đã đệ đơn kiện dự án. Kamal Shah, đại diện nhóm ngư dân cho biết: “Chúng tôi sẽ trở nên thất nghiệp. Họ đang nói rằng việc xây dựng một thành phố sẽ mang lại sự phát triển. Nhưng nó sẽ chỉ mang lại sự tàn phá".
Rab Nawaz, giám đốc chương trình cấp cao của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, cho biết sự phát triển của đảo Bundle sẽ gây ra một "thảm họa môi trường".
Ông nói: "Hòn đảo này là nơi làm tổ của rùa, cá heo. Còn rừng ngập mặn là rừng được bảo vệ ở Pakistan. Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng khổng lồ trên đảo sẽ phá hủy tất cả những thứ đó."