Đổ xô đi tiêm phòng cúm vì lo sợ 'đại dịch kép'

0:00 / 0:00
0:00

(Ngày Nay) -Trong nhiều năm, bà Yu là một trong số ít người tại Thượng Hải (Trung Quốc) đi tiêm phòng cúm mùa khi thời tiết trở lạnh. Điều này đã được bà coi như một thói quen giữ gìn sức khỏe thường niên. Nhưng năm nay, đã có những lo ngại về một “đại dịch kép” giữa cúm mùa và COVID-19, khiến nhu cầu tiêm chủng tăng cao đột biến tại Trung Quốc.

Tỷ lệ tiêm phòng cúm mùa tại Trung Quốc năm nay có thể đạt 4% dân số. Nguồn: People Visual.
Tỷ lệ tiêm phòng cúm mùa tại Trung Quốc năm nay có thể đạt 4% dân số. Nguồn: People Visual.

Hiểm họa cúm mùa

Sau khi nghe ngóng tình hình, bà Yu quyết định rời nhà từ rất sớm để đến phòng khám gần nhà. Từ xa, người phụ nữ 65 tuổi này có thể nhìn thấy một hàng người đứng tràn ra vỉa hè trước cửa phòng khám.

Nắm chặt ví tiền, bà chen vào dòng người, vội giật lấy một tờ giấy nhỏ của nhân viên phòng khám đề số thứ tự: 97.

“Tôi cảm thấy nhẹ cả người khi nhìn thấy con số của mình”, bà Yu bật cười nhớ lại.

Không chỉ Trung Quốc, các chuyên gia y tế công cộng trên khắp thế giới cũng đang lo lắng về một “đại dịch kép”. Các đợt bùng phát đồng thời có thể đẩy các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã quá tải có thể sụp đổ chỉ trong một thời gian ngắn.

Mặc dù ít gây chết người hơn COVID-19, nhưng cúm mùa có thể lây lan rộng rãi và dẫn đến các triệu chứng cần nhập viện, thậm chí tử vong trong một tỷ lệ nhỏ các ca mắc.

Tại Trung Quốc, cúm mùa và các biến chứng của nó ước tính giết chết hơn 88.000 người mỗi năm. Một nghiên cứu tại Bắc Kinh cho thấy ít nhất 10% người dân thành phố này đã mắc bệnh cúm trong mùa đông 2017-2018.

Dù Trung Quốc vẫn đang kiểm soát tốt đại dịch, nhưng nước này vẫn chưa thể cho ra mắt vaccine, khiến nhiều chuyên gia y tế lo sợ sẽ lại có thêm một đợt bùng phát mới vào thời điểm Tết Nguyên đán. Khi đó, các mầm bệnh gây ra COVID-19 và cúm mùa có thể dễ dàng lây lan do điều kiện thời tiết và nhiều người tụ tập tại cùng một chỗ.

Lu Hongzhou, nhà virus học hàng đầu tại Trung tâm Lâm sàng Y tế Công cộng Thượng Hải, cho biết: “Các ổ dịch từng bùng phát tại Bắc Kinh và Cát Lâm là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên để tình hình dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát như tại Vũ Hán thì sẽ rất khó xảy ra”.

Đổ xô đi tiêm phòng cúm vì lo sợ 'đại dịch kép' ảnh 1
Các nhà chức trách Trung Quốc lo ngại nếu để cúm mùa bùng phát trên diện rộng thì công sức kiểm soát đại dịch COVID-19 có thể “đổ sông đổ bể”. Nguồn: The Guardian.

Đáng chú ý, cả COVID-19 và cúm mùa đều gây ra các triệu chứng tương tự nhau: sốt, đau họng, nhức đầu và mệt mỏi.

Zhang Xiaoqin, một chuyên gia về bệnh hô hấp tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang ở miền đông Trung Quốc, cho biết một đợt bùng phát cúm mùa sẽ khiến việc kiểm soát và phòng ngừa COVID-19 trở nên vô cùng khó khăn.

Các nghiên cứu cũng cho rằng các trường hợp mắc cả hai bệnh cùng lúc, dù tương đối hiếm cho đến nay, sẽ vẫn làm cho việc chẩn đoán khó khăn hơn, và làm tăng khả năng xảy ra các triệu chứng nghiêm trọng và tử vong.

“Vẫn chưa thể kết luận được liệu bệnh cúm có làm cho COVID-19 trở nên trầm trọng hơn hay không. Nhưng nếu nhiều người tiêm vaccine phòng cúm mùa, điều đó sẽ làm cho việc phòng ngừa COVID-19 dễ dàng hơn nhiều”, ông Zhang nhận định.

Nguồn cung khan hiếm

Kể từ tháng 8, các quan chức của WHO đã tuyên bố rằng các quốc gia nên tăng tỷ lệ tiêm phòng cúm mùa, lý giải rằng người dân rất khó để biết liệu họ có bị nhiễm COVID-19 hay bệnh cúm hay không, vì vậy tiêm phòng cúm ít nhất có thể làm giảm hoặc loại trừ xác suất mắc một trong hai loại bệnh.

Ngoài ra, WHO cũng chỉ ra rằng nguồn lực y tế vốn đã hạn chế sẽ còn căng thẳng hơn nữa khi mọi người đổ xô đến bệnh viện do cúm.

TS Gao Fu, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, khuyến khích mọi người nên tiêm vaccine cúm trước và chờ cho tới khi vaccine COVID-19 được phân phát rộng rãi.

Tới tháng 9, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã phát hành hướng dẫn tiêm phòng cúm, sớm hơn năm ngoái khoảng một tháng.

“Đại dịch COVID-19 dự kiến sẽ tiếp tục lây lan nghiêm trọng trên toàn cầu”, CDC Trung Quốc cho biết. “Vaccine ngừa cúm là cách tiếp cận hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh cúm. Nó có thể làm giảm tác hại do bệnh cúm và các bệnh liên quan gây ra trong khi giải phóng nguồn lực y tế”.

Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng, chính phủ Trung Quốc đã phát hành hơn 58 triệu liều vaccine, gấp đôi so với con số nằm ngoái, như một biện pháp phòng tránh việc bùng phát thành đại dịch.

Nhưng nhu cầu tiêm chủng vaccine trong năm nay vẫn hết sức khó đoán, theo ông Feng Luzhao, một chuyên gia về vaccine cúm của CDC Trung Quốc. “Nhu cầu về vaccine có thể thay đổi dựa theo từng khu vực, tạo ra sự mất cân bằng cung cầu trên toàn quốc”.

Tại phòng khám của bà Yu ở Thượng Hải, nhân viên cho biết họ đã giới hạn số lượng người tiêm vì nguồn cung đang dần trở nên cạn kiệt. “Số lượng người đến đăng ký tiêm trong năm nay là chưa từng có”, một nhân viên phòng khám Chen nói. “Tôi nghĩ đó là do COVID-19. Mọi người ai cũng sợ mắc bệnh nên mới kháo nhau đi tiêm chủng”.

“Việc cung cấp vaccine cúm phù hợp với nhu cầu luôn luôn khó khăn. Bởi vì chủng cúm chủ đạo thay đổi hàng năm, khiến các công ty dược phẩm không muốn sản xuất quá nhiều một loại vaccine, vì chúng có thể sẽ vô dụng vào năm tới. Việc chế tạo vaccine, thường bao gồm việc nuôi cấy virus với số lượng lớn, cũng mất vài tháng. Do đó, gần như không thể bù đắp cho sự thiếu hụt đột ngột”, ông Feng Luzhao nói. Tuy nhiên, Feng và các chuyên gia y tế khác hoan nghênh ý thức tiêm chủng vaccine ngừa cúm của người dân, lưu ý rằng trong những năm trước, số lượng tiêm chủng chỉ đạt 2-3% dân số cả nước. Năm nay, con số này có thể lên đến 4%, nhưng như vậy vẫn còn thấp. Trong khi đó tại Mỹ, khoảng 50% dân số được tiêm phòng cúm mỗi năm.

Rào cản tiếp cận vaccine

Theo các chuyên gia CDC, tỷ lệ tiêm phòng cúm của Trung Quốc thấp vì nhiều lý do: mọi người thiếu kiến thức về căn bệnh này và sự nguy hiểm của nó cũng như không có thống kê nào cho thấy quy mô thực sự của các đợt bùng phát hàng năm.

“Nhiều trường hợp tử vong do cúm không được chẩn đoán như vậy, bởi vì đó không phải là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong”, ông Fang chỉ ra.

“Tiêm vaccine cũng không phải là phương pháp được ưa chuộng vì nhiều người ở Trung Quốc sẽ chỉ tìm cách điều trị sau khi mắc bệnh, thay vì thực hiện các biện pháp phòng ngừa”, ông Zhang Xiaoqin từ Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang cho biết. “Nhiều bệnh nhân thậm chí không biết một số thông tin cơ bản về việc tiêm phòng cúm, như khi nào và đến đâu để tiêm.”

Một rào cản khác đối với tỷ lệ tiêm chủng cao đó là các mũi tiêm không được bảo hiểm do chính phủ Trung Quốc chi trả, vốn bảo hiểm chăm sóc sức khỏe duy nhất mà hầu hết người dân có.

Các chính sách an sinh xã hội của Trung Quốc nêu rõ rằng tiêm chủng là mục tiêu của hệ thống y tế công cộng chứ không phải của hệ thống y tế và do đó, tiêm chủng nằm ngoài phạm vi bảo hiểm.

Hiện chính phủ Trung Quốc cung cấp tổng cộng 11 loại vaccine miễn phí bắt buộc cho trẻ em, bao gồm cả vaccine ngừa viêm gan B và MMR (sởi, quai bị, rubella). Đối với tất cả các loại vaccine khác, bao gồm cả vaccine ngừa HPV và cúm, mọi người thường phải tự bỏ tiền túi. Tại thành phố Thượng Hải, một mũi tiêm phòng cúm có giá từ 53 nhân dân tệ đến 136 nhân dân tệ (khoảng 180.000 - 480.000 đồng).

Đổ xô đi tiêm phòng cúm vì lo sợ 'đại dịch kép' ảnh 2

Các y tá tiêm phòng cúm cho người cao tuổi trong một phòng khám ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nguồn: CCTV.

Meng Qingyue, chuyên gia kinh tế sức khỏe tại Đại học Bắc Kinh, cho biết việc cung cấp các mũi tiêm phòng cúm miễn phí sẽ rất tốn kém đối với chính phủ. “Khi bạn chỉ có một số tiền hạn chế, việc phân bổ quỹ để ngăn chặn những căn bệnh nguy hiểm nhất là rất hợp lý. Nhưng chính sách cung cấp vaccine hiện tại như miễn phí hoặc hoàn toàn thu phí cũng không phải là tối ưu”.

Ngoài ra, việc tách biệt hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế công cộng của Trung Quốc có nghĩa là nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe - chẳng hạn như các phòng khám địa phương, thuộc về cơ quan này hay cơ sở khác, như vậy không thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ cho người dân.

Ông Fang Hai, một chuyên gia về chính sách vaccine tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Việc tách biệt hai hệ thống khiến cho việc mua vaccine khó hơn rất nhiều. Không giống như ở các quốc gia tích hợp cả hai hệ thống, người Trung Quốc không thể tiêm chủng tại cơ sở chăm sóc sức khỏe thông thường, khiến họ không thể tiêm phòng cúm”.

Vị chuyên gia hy vọng chính phủ Trung Quốc sẽ bắt đầu hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho vaccine ngừa cúm. “Nó sẽ trở thành một vòng phản hồi tích cực. Giá được trợ cấp sẽ mang lại cho các công ty dược phẩm sự tự tin để tăng sản lượng, do đó sẽ giảm chi phí và khuyến khích nhiều người tiêm chủng hơn”.

Cơn sốt vaccine trên mạng

Nhu cầu tiêm phòng cúm tăng vọt ở các thành phố của Trung Quốc đã gây ra tình trạng khan hiếm vaccine, điều này cũng tạo ra cơn sốt mua vaccine trên mạng.

Trước mùa đông, các thành phố của Trung Quốc đã phát động một chiến dịch y tế cộng đồng để nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine cúm của nước này lên khoảng 2%, so với 50% ở Mỹ. Các chuyên gia tin rằng tỷ lệ năm nay sẽ tăng gấp đôi, đạt 4%. Một số thành phố đã bắt đầu chiến dịch này ngay từ tháng 8 trong khi các nhà chức trách cho biết số lượng liều vaccine có sẵn trong năm nay sẽ gấp đôi so với năm ngoái.

Tại Bắc Kinh, các phòng khám đã báo cáo tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng và tại nhiều nơi khác trên đất nước này, người dân phàn nàn rằng họ không thể tiêm phòng. Một nhân viên tại một phòng khám công cộng ở quận Triều Dương của Bắc Kinh cho biết: “Hiện tại số lượng vaccine không thể đáp ứng kịp. Chúng tôi có danh sách chờ 1.200 người nhưng chỉ có 400 liều để phát cuối tháng 9.”

Các loại vaccine cúm đang được bày bán trực tuyến có giá tới 450 nhân dân tệ (hơn 1,5 triệu đồng), gấp ba lần giá tại các phòng khám công. Trên Weibo, người dùng internet kêu gọi cải cách các lỗ hổng chính sách trong ngành dược và đổ lỗi cho các công ty dược phẩm vì không lường trước được nhu cầu. Những người khác đặt câu hỏi về sự an toàn của việc sử dụng vaccine mua qua mạng, trong khi nhiều người còn khẳng định họ sẽ không đi tiêm.

“Tôi đã quyết định không tiêm phòng. Tôi sẽ rửa tay và đeo khẩu trang. Không có gì phải sợ”, một người dùng Weibo bày tỏ sự bất bình.

Theo Huy Vũ
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.