Báo cáo mới nhất về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2017 Bộ Tài chính vừa gửi tới Quốc hội cho thấy tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả lên tới trên 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016.
Đứng đầu danh sách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu khoản nợ phải thu khó đòi lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) với gần 7.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam gánh tới gần 7.000 tỷ đồng khoản nợ phải thu khó đòi. Ảnh: Internet. |
Ngoài ra, PVN cũng đứng đầu nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của Công ty mẹ với 2.399 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam còn có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn 146.585 tỷ đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng nằm trong danh sách tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng lớn với 132.071 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nợ chục nghìn tỷ bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (hơn 48.600 tỷ đồng), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (trên 28.000 tỷ đồng), Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (hơn 12.800 tỷ đồng), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (43.485 tỷ đồng)...
Về nợ phải thu khó đòi theo báo cáo của Công ty mẹ, Tập đoàn Viễn thông quân đội đứng thứ 2 sau PVN (2.399 tỷ đồng) với 946 tỷ đồng. Tiếp theo là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (695 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (661 tỷ đồng); Tổng công ty Viễn thông Mobifone (510 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (417 tỷ đồng)...
Đáng chú ý, một số đơn vị có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có nợ phải thu trên 12.000 tỷ, bằng 58% tổng tài sản. Công ty mẹ - Tổng công ty Đông Bắc năm 2017 có tổng nợ phải thu trên 6.182 tỷ đồng, bằng 70% tổng tài sản…
Theo Kiến thức