Độc đáo kiến trúc nhà cổ hơn 100 tuổi ở miền Tây

Nằm lọt thỏm dưới chân cầu Ông Văn (ấp Bình An, xã Đăng Hưng Phước, H.Chợ Gạo, Tiền Giang), nhìn bề ngoài ngôi nhà không có vẻ gì cổ kính nhưng vào trong mới thấy nội thất đậm nét của ngôi nhà Việt.
Độc đáo kiến trúc nhà cổ hơn 100 tuổi ở miền Tây

Theo lời ông Lâm Đăng Phát, ngôi nhà này có từ thời ông sơ của ông. Đến đời ông cố là Lâm Văn Tuyên xây dựng lại. Bấy giờ, ông Tuyên là cai tổng nên ngày tân gia có nhiều quan khách tặng hoành phi, liễn đối. Căn cứ vào đôi liễn đối ghi năm 1911, có thể đoán đây là năm ngôi nhà được đưa vào sử dụng. Hiện nay, ông Phát là người quản lý, gìn giữ ngôi nhà.

3 gian, 2 chái...

Mặt tiền ngôi nhà ảnh hưởng lối kiến trúc Tây phương, có bậc tam cấp dẫn vào gian thảo bạt khá rộng. Ngôi nhà chính cất theo mô típ truyền thống: nhà 3 gian, 2 chái. Ông Phát cho biết nhà trên có 36 cột, nhà dưới 20 cột, tất cả đều làm bằng gỗ căm xe chống chọi được với mối mọt. Quan sát từ bên hông phần đầu hồi phía trong thì thấy khung nhà kết cấu theo kiểu nhà rường nhưng do cột nhà cao nên không gian bên trong rất thông thoáng. Hiện dàn cột kèo, xuyên trính, ốp quả và mái ngói còn khá nguyên vẹn. Tường gạch dày 30 cm, xây 2 lớp, thêm cột gạch đỡ đầu kèo, chịu toàn bộ sức nặng của mái nhà bao phủ trên diện tích hơn 500 m2.

Độc đáo kiến trúc nhà cổ hơn 100 tuổi ở miền Tây ảnh 1

Nội thất độc đáo trong ngôi nhà

Đặc biệt, 2 chái hai bên được thiết kế như hành lang nối phần nhà cầu có mái che xuống nhà dưới thành một khung vuông bao bọc. Giữa nhà dưới và nhà trên có sân thiên tĩnh vừa để trồng hoa kiểng, vừa lấy ánh sáng. Nhà dưới còn có 3 cửa sổ quay 3 hướng để ánh sáng và không khí được tiếp nhận từ mọi hướng, không gian trở nên khoáng đãng, hạn chế ẩm thấp có thể hư hại đến vật liệu bằng gỗ của ngôi nhà.
Ngoài ra, nhà trên không sử dụng hệ thống cửa gỗ truyền thống như những nhà xưa thường có mà chỉ sử dụng một lớp vách tường ngoài sau hàng ba lắp cửa theo hình vòm. Điểm đặc biệt là 3 cánh cửa chính sử dụng gỗ nguyên tấm trông có vẻ “chỏi hàng” với hệ thống cửa lá sách trên vòm và cửa sổ hai bên. Có người cho rằng đây là loại cửa của những ngôi nhà người Hoa bình dân, có lẽ chủ nhân xưa gốc Minh Hương nên muốn giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì cánh cửa bằng gỗ nguyên tấm này mang yếu tố phong thủy, có ý chắn gió từ một hướng không tốt.

Ông Lâm Đăng Phát cho biết thêm các cánh cửa này ngày xưa sơn màu chu, mới được sơn lại khác màu nhưng vẫn giữ nguyên bản cũ hồi đời ông cố tới nay. Còn nhà dưới do lớp ngói âm dương bị mục và nền gạch tàu sụt lún nhiều chỗ nên đã được sửa lại, lót gạch men. Hiện bên trong gian nhà chính còn lưu giữ nhiều tác phẩm mỹ thuật có giá trị, như bao lam chạm mai, điểu hai lớp đều có khuôn bao cẩn ốc xà cừ với đề tài hoa lá, chim, trúc... Đặc biệt, chân bao lam là tác phẩm cá hóa long chạm rất tinh tế, hàm ý gìn giữ cho ngôi nhà luôn thịnh vượng, phát triển. Những tấm biển sơn son thếp vàng chạm khắc công phu vẫn còn nguyên vẻ đẹp cổ xưa.

Không đủ tiền tu bổ, sửa chữa

Trải qua hơn trăm năm, dù không bị ảnh hưởng bom đạn chiến tranh, nhưng do điều kiện bảo quản không tốt, ngôi nhà đã có dấu hiệu xuống cấp. Vài tấm biển, liễn hay trám tủ thờ cẩn ốc xà cừ đã bong tróc để lộ phần gỗ. Tấm biển trên bàn thờ chính cẩn ốc xà cừ với hai chữ Hán đại tự “truy viễn” - ý nghĩa nhớ lại thuở xa xưa cũng đã rớt ốc, mất đi nhiều nét...

Đồ nội thất hiện không còn nhiều. Cách đây mấy năm, khi cơ quan bảo tàng đến đo đạc, làm hồ sơ, thì gian nhà trên có chiếc bàn tròn một chân, mặt đá, chân làm bằng gỗ cẩm lai chạm rồng, cẩn ốc rất đẹp, nay đã không còn. Chủ nhà cho biết chiếc bàn đó hồi xưa ông cố của ông mua đến 20 lượng vàng. Một năm trước đây do chiếc bàn bị gãy mộng, đá nứt, rớt bể mà không có khả năng sửa chữa nên ông đã bán cho giới chơi đồ cổ.

Mặc dù sở hữu ngôi nhà xưa rất giá trị nhưng gia chủ lại có cuộc sống khá chật vật, chủ yếu nhờ vào quán giải khát trước sân. Vì vậy, việc trùng tu sửa chữa là điều vô cùng khó khăn. Ông Phát cho biết phần nội thất ngôi nhà nếu có hỏng thì ông vận động trong thân tộc, dòng họ, ai có tiền góp vào phụ giúp sửa sang. Ông mới vừa sơn lại cột và vách tường, vách lụa và đang thay lại hệ thống điện chiếu sáng. Còn bàn mặt đá bị vỡ, tủ thờ rớt ốc thì chưa có tiền mua xà cừ, mướn thợ gắn lại.
Cũng theo ông Phát, trước đây khá lâu có một đoàn tới nhà ông đo cột kèo, ghi chép rất kỹ, nghe nói họ làm bản vẽ để “gửi qua Nhật”. Nhưng từ đó đến nay ngôi nhà này chẳng có đoàn khách nào tới tham quan, có lẽ vì không ai biết. Gần đây có một đoàn tới quay phim, nhưng đến và đi lặng lẽ, không có sự phản hồi nào.

Theo tìm hiểu của PV, đây là một trong ba ngôi nhà xưa ở xã Đăng Hưng Phước có tuổi xây cất hơn 100 năm, là những ngôi nhà có lối kiến trúc ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhưng vẫn giữ nét cổ kính của nhà Việt. Tiếc rằng lâu nay các cơ quan chức năng chưa quan tâm đúng mức để có kế hoạch bảo tồn chu đáo.

P.V

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.