Lễ hội Pơ thi (lễ bỏ mả) là một nghi thức đặc biệt trong nghi thức tang ma của người Jrai, ghi dấu sự đoạn giao giữa người sống với người chết. Sau khi làm lễ giải phóng, người sống không còn ràng buộc gì với người thân đã chết.
Đôi nét về lễ hội
Với quan niệm: “Sống cùng một nhà chết chung một mồ” người Jrai có tập tục chôn chung những người cùng họ mẹ bởi đồng bào theo chế độ mẫu hệ, vì vậy khi chết đi người nam giới cũng được đem về nhà mồ dòng họ mẹ của mình để chôn cất. Trước khi làm lễ Pơ thi khu đất nhà mồ ấy chỉ được đánh dấu một cách đơn sơ, hàng ngày thân quyến của người chết vẫn ra nuôi mộ, quét dọn và thậm chí là đốt lửa sưởi ấm trò chuyện với linh hồn người đã mất vì theo quan niệm của đồng bào người chết đi mà chưa làm lễ bỏ mả thì linh hồn chưa đoạn tuyệt trần gian để về plây atâu (làng ma), vì vậy vẫn phải có thời gian nuôi mộ.
Tùy thuộc điều kiện từng gia đình, từng dòng họ mà đồng bào sẽ làm lễ Pơ thi sau khoảng thời gian người chết bao nhiêu năm, lễ bỏ mả có thể tiến hành theo quy mô nhỏ cho một người hoặc làm lễ chung cho cả nhà mồ.
Người Jrai có câu nói: “Bơ lan ninh nông thông atâu” nghĩa là “tháng nghỉ đi chơi lễ bỏ mả”. Lễ hội không chỉ có sự tham gia của gia đình thân nhân người chết mà còn có sự đóng góp của cả buôn làng, thậm chí là liên làng. Tại lễ hội, già làng sẽ phân công nhiệm vụ cho mọi người trong buôn, nam giới lên rừng lấy gỗ về làm nhà mả và điêu khắc tượng nhà mồ, phụ nữ chuẩn bị đồ ăn cho lễ hội. Vào chính hội mọi người tổ chức ăn cỗ linh đình, tấu cồng chiêng, cùng nắm tay nhau múa vũ điệu sôang và đặc biệt đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái tìm kiếm bạn đời của mình.
Tục giải phóng cho người sống sau lễ hội
Lễ hội Pơ thi hàng năm thường diễn ra trong 3 ngày khi mùa mưa vừa chấm dứt và luôn phải trải qua ba bước: Dựng nhà mồ, lễ bỏ và lễ rửa nồi (giải phóng linh hồn).
Lễ hội Pơ thi là cuộc chia ly cuối cùng giữa người sống và người chết, bởi sau khi lễ hội này kết thúc thì từ đó trở đi người thân của người chết sẽ chấm dứt thời gian ra thăm mộ. Đối với họ nghĩa vụ và tình cảm với người chết đã hoàn toàn hết, họ sẽ không còn bao giờ quay trở lại thăm mộ nữa. Tại các gia đình đồng bào Jrai cũng không lập bàn thờ thờ cúng tổ tiên mà chỉ dựng cây cột gưng - cây linh thông giữa người và thần linh để thờ Yàng. Đồng bào quan niệm người thân của họ sau khi chết đi sẽ về với Yàng, thờ Yàng coi như là đã thờ tổ tiên của mình rồi.
Mang đậm tính nhân văn
Khi chồng mất đi dù đã già hay còn trẻ phải lấy trung trinh với chồng làm đầu, người góa phụ ở vậy thờ chồng cả đời mới được xã hội đề cao. Họ yêu thương nhung nhớ người đã chết đến nỗi sau khi một người mất đi người thân của họ vẫn níu kéo hình ảnh về họ qua thời gian nuôi mộ và khi lễ bỏ mả kết thúc thì họ cũng tìm cách để những người góa ở lại không còn phải đơn độc trong chặng cuối đường đời nữa. Chỉ điều đó thôi cũng là một minh chứng rõ nét về tâm tính khoáng đạt, đầy tình người của đồng bào Jrai cũng như nhiều dân tộc anh em trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.