Đây là nội dung được các nhà khoa học tập trung thảo luận tại Hội thảo khoa học Thảo Cầm Viên Sài Gòn - Giá trị truyền thống và triển vọng phát triển, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thảo Cầm Viên phối hợp tổ chức ngày 6/3.
Năm 2024 đánh dấu chặng đường 160 năm hình thành và phát triển, Thảo Cầm Viên Sài Gòn không chỉ là một trong những công trình mang giá trị lịch sử - văn hóa lâu đời của Thành phố Hồ Chí Minh, mà nơi đây còn giữ vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bảo tồn, nghiên cứu về tự nhiên và phát triển nguồn gen động, thực vật góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện là một trong 8 vườn thú có tuổi thọ lâu đời nhất thế giới với kho tàng động - thực vật phong phú, gồm hơn 2.000 cá thể động vật thuộc 135 loài và có trên 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, trong đó có trên 700 cây cổ thụ. Không gian rộng lớn, xanh mát, phong phú các loại động - thực vật cùng với việc nằm ở ngay vị trí trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã trở thành là một trong những điểm đến ưa thích của người dân Thành phố và các tỉnh thành khác.
Số liệu thống kê năm 2023, Thảo Cầm Viên Sài Gòn bán được 1,83 triệu lượt vé, thu gần 95 tỷ đồng. Theo các nhà khoa học, nếu so với lượng khách đến Thành phố và dân số Thành phố, số khách ghé Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn có cả giá trị di sản thiên nhiên lẫn giá trị di sản văn hóa, do đó có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch hội tụ (du lịch tổng thể). Đó là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch giải trí, học tập, du lịch MICE (hội thảo, tập huấn chuyên nghiệp)...
Cùng với gìn giữ các giá trị truyền thống, các nhà khoa học cho rằng Thảo Cầm Viên Sài Gòn cần có những đổi mới trong hoạt động. Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, hiện nay, sơ đồ Thảo Cầm Viên Sài Gòn ghi nhận tổng cộng 52 điểm tham quan và chủ yếu tập trung cho vườn bách thú với 35 điểm nuôi động vật. Tuy nhiên, việc sắp xếp khu này còn phân tán, rời rạc.
Trong suốt 160 năm phát triển, di sản Thảo Cầm Viên Sài Gòn có được là nhiều cá thể, nhiều loài động vật đa dạng rất quý giá. Những giá trị này cần tiếp tục được bảo tồn. Tuy nhiên, cũng không nên định hướng phát triển số lượng chủng loại và nhất là không phát triển số lượng của các loài thú lớn. Riêng đối với di sản thực vật phong phú của Thảo Cầm Viên, số điểm tham quan hiện nay quá ít chỉ với 4 điểm và mờ nhạt về nội dung. Thảo Cầm Viên cần có nhà hát, rạp chiếu phim để khách có thể xem các phim tài liệu, phim hoạt hình, xem trình diễn thực tế ảo, thực tế tăng cường về thế giới động thực vật, về thiên nhiên…
Bà Huỳnh Thu Thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên chia sẻ, giá trị về lịch sử, văn hóa của Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã được khẳng định trong chặng đường dài hình thành và phát triển. Thảo Cầm Viên Sài Gòn trở thành lá phổi xanh, khu vườn thiên nhiên giữa lòng Thành phố, là nơi để người dân Thành phố và du khách trải nghiệm, tìm hiểu về các loài động thực vật phong phú. Cùng với định hướng tiếp tục trở thành nơi bảo tồn các nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm, thời gian tới, Thảo Cầm Viên Sài Gòn tiếp tục có những định hướng phát triển, đổi mới hoạt động để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch.
Theo bà Huỳnh Thu Thảo, định hướng phát triển Thảo Cầm Viên Sài Gòn luôn tính đến sự hài hòa giữa việc gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp cận hướng đi hiện đại của thế giới. Cùng với định hướng quy hoạch không gian một cách phù hợp, thời gian tới hoạt động ở Thảo Cầm Viên được tổ chức phong phú hơn. Không chỉ trưng bày động, thực vật theo lối truyền thống, tại đây sẽ có nhiều hoạt động để du khách trải nghiệm, tương tác với các động vật thân thiện, tăng cường tổ chức hoạt động chuyên đề học thuật…