Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư công nghệ - đó là xu hướng không thể đảo ngược

(Ngày Nay) - "Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần thực hiện đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để nâng cao hiệu suất lao động và tạo thêm sản phẩm, dịch vụ mới. Xu hướng của kinh tế số, công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh... là xu hướng không thể đảo ngược" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các Tập đoàn, Tổng công ty ngày 21/11/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa khẳng định vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thời kì mới. DNNN hết sức cần thiết cho sự phát triển đất nước, có vai trò điều tiết nền kinh tế, là lực lượng kinh tế chưa thể thay thế trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp NN, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang gõ cửa, các tập đoàn, tổng công ty lớn nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức trong tương lại để định hình được chiến lược phát triển của mình khi mà khoa học công nghệ đang thay đổi một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững cần phải giải quyết khi chúng ta tập trung vào phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp liên quan đến khai thác và sử dụng tài nguyên tự nhiên. Đây cũng là những vấn đề và thách thức chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Việc tập trung vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ, giải pháp để giải quyết các vấn đề môi trường này có thể là cơ hội cho chúng ta trong tương lai. Các giải pháp này không những giải quyết được vấn đề phát triển bền vững trong nước mà còn có thể vươn ra để giải quyết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới, trở thành một ngành có tính vượt trội cho Việt Nam.

Đổi mới doanh nghiệp nhà nước phải đầu tư công nghệ - đó là xu hướng không thể đảo ngược ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, việc chuyển giao 19 Tập đoàn, tổng công ty với nhiều nhóm ngành đã hoàn thành thì cách tiếp cận tái cấu trúc hay tái cơ cấu DNNN có lẽ không chỉ đặt riêng lẻ cho từng doanh nghiệp mà phải có cách tiếp cận theo nhóm doanh nghiệp hoặc theo chuỗi các sản phẩm để có thể tận dụng được các thế mạnh của các tập đoàn, tổng công ty lớn. Đây là nhiệm vụ mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải nghiên cứu, có những đề xuất mang tính chiến lược để thực sự thay đổi được phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả các các tập đoàn, tổng công ty lớn này.

Bộ trưởng đánh giá thẳng thắn, mặc dù nắm giữ nguồn lực quan trọng của quốc gia nhưng kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DNNN chưa có nhiều đột biến; thậm chí làm mất vốn và gây ra những hậu quả không mong muốn như trường hợp của Vinashin, Vinalines hay các dự án không hiệu quả của ngành công thương.

"Nghị quyết số 12, Hội nghị Trung ương 5 xác định xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Do vậy, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, không kéo dài gây lãng phí nhân lực, vật lực. Tuy nhiên, việc xử lý các vấn đề này cần phải tiếp cận theo hướng thị trường trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, dự án khi thực hiện chuyển nhượng hoặc thanh lý; đánh giá đúng bản chất của sự việc và giải quyết theo nhóm vấn đề, có sự bổ trợ cho nhau để đảm bảo có tính khả thi hơn trong thực tiễn" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bàn về vấn đề thay đổi quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN sau khi thực hiện cổ phần hóa, đa sở hữu, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần có đánh giá về chất lượng của phương án cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian qua. Đặc biệt, cần xem xét lại cách tiếp cận và quá trình thực hiện tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoàiđể có thể thực sự tìm kiếm được nhà đầu tư nhằm phát triển doanh nghiệp theo định hướng, chiến lược chứ không chỉ là nhà đầu tư tài chính thông thường. Cần thực hiện quản trị Chuyên nghiệp hóa DNNN, sử dụng cơ chế quản lý dựa trên hiệu quả hoạt động (cần xây dựng vai trò, nhiệm vụ, chức năng, KPI cho từng vị trí trong tổ chức từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất).

Bên cạnh đó, Tổng giám đốc điều hành cần phải là người chuyên nghiệp và cần có cơ chế tuyển chọn và trả lương theo thị trường và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cần dần hình thành thị trường các giám đốc/ Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp chuyên nghiệp xứng tầm khu vực và quốc tế để đảm bảo rằng DNNN được vận hành theo mô hình quản trị hiện đại, công khai, minh bạch.

Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do đích thân Thủ tướng Chính phủ, 2 Phó Thủ tướng Chính phủ là Vương Đình Huệ và Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Mục đích của Hội nghị là rà soát các kết quả sau hơn 2 năm triển khai công tác cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó đưa ra nhận định, đánh giá cụ thể về các kết quả đạt được để tiếp tục phát huy, các vướng mắc, tồn tại để tháo gỡ qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, tiếp tục đẩy mạnh công tác cơ cấu lại DNNN theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.

Tham gia Hội nghị gồm có lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, các Ủy ban thuộc Quốc hội có liên quan, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp...

Ảnh minh họa
Hà Nội triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”
(Ngày Nay) -  Mở đầu chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024; đồng thời kỷ niệm 7 năm Ngày thành lập Phố Sách Hà Nội (1/5/2017 - 1/5/2024), sáng 17/4, tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19 tháng 12), UBND quận Hoàn kiếm triển khai Hội sách với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Kiến tạo tương lai”.