UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đổi mới hình thức giảng dạy môn học Pháp luật ở các trình độ trung cấp, cao đẳng theo hướng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, học tập; ưu tiên giáo dục kỹ năng thực hành, kỹ năng sống để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học…
Ngày 28/6, UBND tỉnh Bình Định ban hành kế hoạch số 88/KH-UBND về thực hiện chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 – 2027”.
Đề án được triển khai thực hiện theo Quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”, Quyết định số 1458/QĐ-LĐTBXH ngày 24/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Đề án đưa ra mục tiêu cụ thể là đào tạo, bồi dưỡng, phát triển trên 20 giảng viên, giáo viên dạy môn học Pháp luật, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghệ nghiệp, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật để trở thành đội ngũ hạt nhân thực hiện công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
90%-100% cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo bộ chương trình, giáo trình, tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị; kết hợp giữa công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động.
100% người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm giúp người học nhận thức và thực hiện tốt các quy định của pháp luật.
100% người học trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng học xong đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc, vị trí việc làm sẽ đảm nhận…
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phải xây dựng bài giảng điện tử, các mô hình trực quan, tình huống pháp lý thực tiễn trong giảng dạy. Số hóa bài giảng điện tử của môn học Pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên dụng, các ứng dụng của mạng xã hội (Youtube, Facebook, Twitter...) vào giảng dạy môn học Pháp luật và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.