Tướng Hwang Pyong-so từng là quan chức quân đội cấp cao nhất của Triều Tiên khi giữ chức lãnh đạo Tổng cục Chính trị quân đội, chỉ đứng sau nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un.
Theo hãng Yonhap của Hàn Quốc, tướng Hwang được cho đã bị khai trừ khỏi Đảng Lao động Triều Tiên vì “nhận hối lộ” và đã không còn xuất hiện trước công chúng từ tháng 10 tới nay. Cấp phó của ông là Kim Wong-hong thậm chí được cho là bị tống giam.
Theo tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc, nếu ông Hwang thực sự bị khai khỏi Đảng Lao động Triều Tiên, thì sự nghiệp chính trị của ông có thể đã kết thúc. Hiện chưa rõ tướng Hwang còn sống hay đã chết.
Đồn đoán trên diễn ra vài ngày sau khi ông Kim Jong-un thăm ngọn núi cao Paektu hôm 8/12. Thông thường, những chuyến thăm như vậy của ông Kim Jong-un tới ngọn núi kỳ bí này thường diễn ra trước các quyết định quan trọng của giới lãnh đạo cao cấp nhất Triều Tiên.
Hồi tháng 11/2013, ông Kim Jong-un đã tới thăm ngọn núi này cùng với các phụ tá một tháng trước khi ông loại bỏ các quan chức hàng đầu, trong đó có ôngJang Song-thaek – người chú dượng đồng thời là nhân vật quan trọng trong chính quyền Triều Tiên lúc đó.
Tiếp tục trong tháng 4/2015, ông Kim Jong-un lại tới thăm ngọn núi Paektu trước khi hành quyết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-chol vì “bất tuân lệnh”.
Ngoài ra, ông còn thực hiện chuyến hành hương về nơi được cho là người ông của mình được sinh ra này sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9/2017.
Cha ông là Kim Jong-il cũng có các động thái tương tự khi thăm núi Paektu ngay trước khi tuyên bố danh sách 10 nghi thức xã hội trong năm 1974 và trước khi hành quyết ông Kim Tong-Kyu – một quan chức đối ngoại cấp cao thời ấy – vào năm 1977.
Chính quyền Bình Nhưỡng đã viết lại lịch sử rằng Paektu là nơi nhà lãnh đạo Kim Il-sung chào đời, và ngọn núi này từ lâu đã là một phần bản sắc dân tộc của Triều Tiên.
Ngọn núi này được cho là nơi phun trào núi lửa nguy hiểm trong lịch sử và có nguy cơ phun trào lại do hậu quả từ vụ thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.