Trong năm 2018 2018 Sở Công Thương tổ chức rất nhiều hoạt động hỗ trợ đồng bộ cho các doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Phóng viên: Cụ thể, đó là những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Đông: Để triển khai chủ trương của Chính phủ và UBND TP HCM về phát triển CNHT trên địa bàn, Sở Công Thương đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng DN.Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bộ đã được triển khai gồm: nâng cao năng lực sản xuất cho DN, bình chọn sản phẩm công nghiệp, CNHT tiêu biểu của TP, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin cho ngành CNHT tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp khảo sát nắm bắt nhu cầu của DN. Đặc biệt là các hoạt động kết nối đào tạo, tiêu thụ sản phẩm cho DN trong nước với các DN đầu cuối… Sở cũng đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài như JETRO, JICA và Tập đoàn Samsung hỗ trợ cho DN TP cải tiến quy trình sản xuất, nguồn nhân lực… để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Các DN CNHT trên địa bàn có quan tâm và tận dụng cơ hội được hỗ trợ từ những chương trình này không?
Thị trường đang mở cho DN cung ứng Việt Nam rất lớn. Điểm hạn chế mấu chốt khiến DN còn khó tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu là do DN chưa có tâm huyết phấn đấu trở thành nhà cung ứng quan trọng. Bên cạnh đó, DN chưa ứng dụng khoa học công nghệ vào việc làm ra các sản phẩm chi tiết.
DN ý thức muốn tiếp cận chuỗi cung ứng thì phải có quy trình sản xuất đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn nhà mua hàng đề ra với những tiêu chuẩn khắt khe từ khâu đầu vào tới đầu ra. Kết quả bước đầu là một số DN TP đã thấy được lợi ích của chương trình và nhiệt tình tham gia. Từng khóa đào tạo đều có sự theo sát, hướng dẫn tận tình của các chuyên gia nước ngoài, nhận xét đánh giá cuối chương trình để DN rút kinh nghiệm.
Không chỉ đào tạo trong nước mà các tổ chức này còn tổ chức cho DN Việt tham quan thực tế tại nước ngoài, giúp DN nâng cao nhận thức và có định hướng trong sản xuất. Chương trình rất bổ ích cho các DN và cả cơ quan Nhà nước: giúp DN nhìn lại bản thân để đặt ra kế hoạch chi tiết, làm thật để cải tiến đáp ứng nhu cầu nhà cung cấp và giúp cơ quan quản lý nhà nước nhìn rõ những hạn chế, tồn tại của các DN cũng như những vấn đề cần thúc đẩy, hỗ trợ để DN phát triển đúng định hướng.
Theo ghi nhận, những DN được chọn tham gia các chương trình đào tạo đều có sự cải thiện rõ rệt sau khi thực hành cải tiến. Một số DN như Minh Mẫn, Minh Nguyên, Viemco Phú Thọ Hòa, Duy Khanh… đã trở thành nhà cung cấp cho các thương hiệu lớn. Các DN được khuyến khích thay đổi tư duy, quyết liệt hơn trong cải tiến và không tự hài lòng với những kết quả đạt được mà luôn cầu thị để nâng cao năng lực, nỗ lực cải tiến liên tục để tham gia sâu hơn.
Mặc dù có quyết tâm, có nỗ lực nhưng DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn trong tiếp cận vốn. Nghị quyết 16 về CNHT của TP HCM có giúp DN giải được bài toán vốn không, thưa ông?
DN Việt Nam đa số quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế nhiều mặt. Trong đó, mấu chốt nhất là thiếu vốn. Chính vì vậy, TP có chính sách dành riêng cho DN CNHT như chương trình kích cầu, Quyết định 15 và gần đây nhất là Nghị quyết 16 về CNHT từ tháng 1-2018. Sở Công Thương sẽ phối hợp với các sở ngành triển khai nghị quyết 16. Trước mắt, sở tham mưu TP thành lập tổ chuyên ngành để tiếp cận hồ sơ xin hỗ trợ vốn của DN.
Trong năm 2019. Sở Công Thương TP HCM tiếp tục có chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng lực cung ứng. Trong ngắn hạn tập trung tuyên truyền Nghị quyết 16 để DN biết chính sách hỗ trợ của TP, có kế hoạch đăng ký tham gia.
Nghị quyết 16, quy định cụ thể thủ tục hồ sơ cho DN, cơ quan chức năng cũng dễ hỗ trợ DN hơn. Trong quá trình thực hiện dự án DN có thể điều chỉnh dự án, ngừng và xem xét dự án mới nên DN đang triển khai dự án có những thay đổi mái móc thiết bị gì thì cứ căn cứ Nghị quyết 16 để thực hiện.
Xin cảm ơn ông!