Theo thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Đồng Tháp ưu tiên lựa chọn phương án dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 39.000 học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 chưa đủ điều kiện về thiết bị để tham gia học trực tuyến.
Phát biểu tại lễ phát động, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức tùy theo điều kiện có thể đóng góp từ 1 - 3 ngày lương; mỗi doanh nghiệp, đơn vị, người dân tùy theo khả năng để tham gia đóng góp bằng kinh phí hoặc trang thiết bị mới hoặc đã qua sử dụng.
Với mục tiêu tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh đều có điều kiện bước vào năm học mới trong bối cảnh tỉnh Đồng Tháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để phòng, chống dịch COVID-19, trước mắt, chương trình sẽ hướng đến đối tượng học sinh, học viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và phấn đấu vận động 20.000 trang thiết bị cho các em.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong kêu gọi, mọi người chung tay đóng góp để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn duy trì được việc học tập, tiếp nhận tri thức, hiện thực hóa tinh thần hiếu học. Qua đó, các em thực hiện được ước mơ của mình, có tương lai tốt hơn, đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Ông Lê Quốc Phong tin tưởng, với nhiều phương thức, cách làm khác nhau, chương trình sẽ hình thành nguồn lực hỗ trợ các em kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả theo tinh thần “nguồn lực tới đâu, ủng hộ tới đó”. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương khảo sát cụ thể, rà soát chính xác, tìm hiểu về các trường hợp học sinh có hoàn cảnh thật sự khó khăn, chưa có được phương tiện tham gia học trực tuyến để có giải pháp phù hợp.
Dịp này, Viễn thông Đồng Tháp đã hỗ trợ 300 triệu đồng; Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ủng hộ 350 máy tính. Ngoài ra, các doanh nghiệp như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết Đồng Tháp ủng hộ 160 triệu đồng; Công ty Xăng dầu Đồng Tháp ủng hộ 50 triệu đồng và nhiều cá nhân khác ủng hộ với số tiền 33 triệu đồng cho chương trình.