Lộ giới, lộ chuyên mất đất!
“Tôi không cam tâm. Lần này tôi sẽ đấu tranh đòi quyền lợi tới cùng. Họ mà không đền bù thì tôi sẽ không cho họ thi công dự án”, bà Trần Thị Ghết (68 tuổi, ngụ tại khóm Tân Đông B, thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình) ấm ức nói.
“Ngày xưa, đất ông bà tôi kéo dài tới tận sông Đốc Vàng Hạ. Sau này nhà nước thu hồi làm các công trình, gia đình tôi hiến đất không một ý kiến. Khoảng những năm 2000, chính quyền múc đất dưới mương trước nhà tui để nâng đường, tui cũng như nhiều hộ dân bên cạnh vay tiền ngân hàng để san lấp mương lại, đặng cho tiện đi lại, sinh hoạt và kinh doanh. Đến năm 2013, khi người ta chủ trương đổi sổ thì tui nhận lại diện tích đất bị hụt đi 30 m2 (từ 646 m2 xuống còn 616 m2). Vậy mà bây giờ, người ra giải toả làm đường, nhiều nhà san lấp mương được hỗ trợ còn tui thì không. Bên kia đường cũng có một cái mương và các hộ dân cũng được bồi thường”, bà Ghết bức xúc.
Ông Nguyễn Văn O. tuy được bồi thường nhưng vẫn “vác đơn” đi kiện suốt 2 năm qua, vì 100 m2 đất (mặt tiền 12,5m x sâu 8m) chỉ được bồi thường hơn 94 triệu đồng tiền đất bị thu hồi giải tỏa và không hỗ trợ chi phí san lấp con mương. “Phần đất của tôi có mốc trong giấy tờ, thuộc phạm vi từ mí lộ trở vào. Vậy mà giờ lại tính là đất công là sao?. Bên kia đường cũng là đất có sổ như tui mà họ được đền gần 7 triệu đồng/m2”, anh O. nói.
“Ngộ hơn” là trường hợp của ông Trần Thanh Hiền. Gia đình ông trước đây có một thửa đất bố mẹ để lại, sau đó được chia ra làm bốn mảnh nhỏ cho con cháu trải dài dọc theo quốc lộ 30, nhưng khi thực hiện hỗ trợ thì chỉ có một mảnh được, ba mảnh kia thì không.
Đất công sao nằm… trong sổ?
Trao đổi với phóng viên Ngày Nay, lãnh đạo UBND huyện Thanh Bình mang “bản đồ 299” (bản đồ đo vẽ chính quy là cơ sở để cấp giấy chứng nhận, giải quyết tranh chấp và đền bù giải tỏa) để đối chiếu và khẳng định, việc các hộ dân trên khiếu nại là không có cơ sở để giải quyết vì đất mương là phần đất công. Một số hộ cho rằng đất của họ có ranh giới từ mí lộ là do… trước đây có sai sót trong việc cấp sổ. Riêng việc người dân đóng thuế cả phần diện tích đất công lâu nay là do bên thuế và người dân “không để ý”, tính theo phần đất thực tế mà nộp tiền lại theo diện tích tự khai.
Người dân không đồng tình với quyết định đền bù, hỗ trợ của chính quyền. Ảnh: Trần Anh Ngọc |
“Việc từ chối đền bù cho một số hộ như bà Ghết là do diện tích đất của họ vẫn còn nguyên. Phần đất mà các hộ đòi bồi thường là con mương nằm trên diện tích đất công nên được đền bù. Về việc hỗ trợ công trình kiến trúc khác theo chủ trương thì do khi san lấp họ không xin phép, chỉ những hộ xin phép san lấp mới được hỗ trợ”, lãnh đạo huyện Thanh Bình cho biết.
Sau khi nghe chúng tôi truyền đạt lại ý kiến trả lời từ lãnh đạo huyện, anh Hồ Minh Dũng cười như mếu, than thở: “Mảnh đất gia đình tui ở đã hơn chục năm qua, thuộc thửa đất 166, tờ bản đờ số 31, là đất ở tại đô thị, có diện tích được cấp là 110 m2, tính từ tim lộ. Bây giờ, người ta giải tỏa tính từ tim lộ vào tới 13 m khiến mảnh đất tui bị thu hồi để thực hiện công trình là 45 m2, gần một nửa diện tích được cấp. Vậy mà, tui không được bồi thường hay hỗ trợ một đồng nào. Không biết ai làm sai gì, chỉ biết là tự nhiên tui bị mất gần nửa đất hiện có. Họ bảo diện tích không thay đổi thì xuống đo lại dùm”.
“UBND tỉnh Đồng Tháp khi thông báo tiến hành dự án đã khẳng định với người dân là sẽ đền bù, hỗ trợ thiệt hại kiến trúc theo tiêu chí tính từ tim đường ra là 6m. San lấp là thay đổi thực trạng kiến trúc bên dưới, cũng là công trình chứ sao lại không phải. Nếu chúng tôi không san lấp thì giờ triển khai dự án người ta cũng phải bỏ tiền mua đất cát về san lấp cơ mà? Đã không hỗ trợ thì thôi, sao lại bên trọng, bên khinh?”, anh Dũng nói.
Lãnh đạo UBND huyện Thanh Bình khẳng định, việc nâng cấp quốc lộ 30 không ảnh hưởng đến diện tích đất của hơn 10 hộ dân nói trên, người dân cũng chưa kiểm chứng diện tích thực tế đất của mình. Có lẽ, vụ việc nên được khép lại bằng hành động đo đạc diện tích đất của chính quyền địa phương để dự án nâng cấp quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh - Hồng sớm được hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện cho người dân.
Dự án nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự có chiều dài gần 40km, với điểm đầu tại km 47+ 590 (cuối cầu Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) và điểm cuối tại km 86+ 754 (kết nối vào tuyến tránh Hồng Ngự thuộc thị xã Hồng Ngự). Tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Quy mô dự án chia thành 3 đoạn, có bề rộng mặt đường khác nhau: Đoạn từ cầu Phong Mỹ đến ngã tư Thanh Bình dài 8 km, nền đường 12m, thực hiện láng nhựa mặt đường rộng 11m. Đoạn qua trung tâm thị trấn Thanh Bình dài 2 km, nền đường rộng 25,5m được thảm bê tông nhựa mặt đường rộng 16,5m. Đoạn còn lại nền đường rộng 12m, thảm nhựa mặt đường rộng 9m.