Năm 1992 Toà án Nhân dân Hà Nội đã tuyên bản án phúc thẩm về tranh chấp tại ngôi chùa Diệu Nam (tại số 60, phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhưng đến nay do những vấn đề còn thiếu sót nên Toà án cấp cao tại Hà Nội đã tuyên huỷ bản án để xem xét lại từ đầu.
Trong lúc này, do ngôi chùa nằm trong khu vực bị giải toả để làm tuyến đường vành đai 2, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định bồi thường cho người không phải đại diện cho ngôi chùa này đã dẫn tới các vấn đề mâu thuẫn xảy ra… Dù UBND quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo tạm hoãn quá trình chi trả tiền nhưng các vấn đề xảy ra tại chùa Diệu Nam hiện vẫn chưa được giải quyết.
Nhiều năm liền tranh chấp
Phản ánh tới Ngày Nay, bà Phạm Thị Là – pháp danh Ngọc Bảo, phẩm vị tôn giáo là Bảo Ân thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông minh sư đạo, trụ trì chùa Diệu Nam Phật đường tại số 60, phố Đại La cho biết, hiện tại ngôi chùa đang đứng trước nguy cơ bị cướp trắng bởi một người vốn dĩ không liên quan đến chùa, không phải là đệ tử giáo hội. Trong khi đó, không hiểu lý do vì sao mà UBND quận Hai Bà Trưng và UBND phường Trương Định lại ra quyết định chi trả tiền bồi thường cho người đó.
Quá trình tìm hiểu thông tin liên quan đến chùa Diệu Nam được biết, ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1930 do 5 vị tổ sư thuộc Giáo hội Phật đường Nam tông minh sư đạo gồm: Mai Thị Tất, Nguyễn Thị An, Sầm Thị Vượng, Ngô Thị Toàn và Đỗ Thị Tỉnh. Ngày 12/12/1957, các cụ Tất, An và Vượng đã cùng nhau lập “Chúc thư” với nội dung “chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố bán chác”.
Bà Phạm Thị Là - Trụ trì chùa Diệu Nam phản ánh sự việc với PV Ngày Nay |
Sau khi cả 5 vị tổ sư này qua đời có để lại chúc thư cho các đệ tử sau này là ngôi chùa Diệu Nam và mảnh đất ở 60 phố Đại La phải sử dụng vào mục địch hoạt động của giáo hội, sử dụng chung các các thế hệ đệ tử sau này, không ai được xâm chiếm và biến thành của riêng. Bản “Chúc thư” cũng nêu rõ sau khi 5 người có công đầu tiên qua đời ngôi chùa sẽ do 5 người đệ tử kế tiếp trông nom, chăm sóc. Gồm các cụ: Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Vỵ, Đinh Thị Bằng, Hoàng Thị Yên và Trịnh Thị Lương.
Vào những năm 1990, khi giữa cụ Lương và cụ Hương xảy ra mâu thuẫn trong quá trình tu tại chùa. Vụ việc được chính quyền địa phương hòa giải nhiều lần nhưng không được nên cụ Hương đề nghị Tòa án phân chia làm đôi, chia cho bà phần ngoài chùa chính để sử dụng.
Tại bản án cấp sơ thẩm số 21/DSST ngày 08/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng quyết định chấp nhận yêu cầu phân chia chùa Diệu Nam của cụ Nguyễn Thị Hương. Cả hai cụ đều có kháng cáo.
Ngày 07/8/1992, TAND TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và tuyên bản án số 151/PTDS quyết định cụ Hương và cụ Lương mỗi người sở hữu ½ chùa Diệu Nam, riêng chùa chính và sân trước chùa không chia để sử dụng chung. Vụ việc sau đó được kháng nghị xem xét theo trình tự tái thẩm.
Toà án cấp cao tại Hà Nội quyết định huỷ bản án năm 1992 giao Toà án Nhân dân quận Hai Bà Trưng xét xử vụ tranh chấp tại chùa Diệu Nam |
Đến ngày 09/01/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Quyết định Kháng nghị tái thẩm số 01/2020/KNTT-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử tái thẩm hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, giải quyết lại từ sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật. Tạm đình chỉ thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 151/DSPT ngày 07/8/1992 của TAND TP. Hà Nội cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Ngày 31/5/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT, trong đó xác định, chùa Diệu Nam là do 5 vị sư tổ của Giáo hội phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo xây dựng từ năm 1930. Các vị sư tổ đã để lại di chúc với nội dung, ngôi chùa sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố, bán chác. Sau khi các vị sư tổ qua đời thì ngôi chùa sẽ giao 5 người đệ tử trông nom, tu bổ.
Bồi thường cho người không liên quan?
Sau khi Giáo hội Phật đường Nam tông minh sư đạo được Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận là một tôn giáo hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, thì phía Giáo hội này đã có Đạo lệnh phân công bà Phạm Thị Là (pháp danh Bảo Ngọc) làm trụ trì chùa Diệu Nam Phật đường. Và từ đó cho đến nay bà Là được coi là đại diện hợp pháp của ngôi chùa Diệu Nam.
Còn đối với bà Lê Thị Loan, thông tin tìm hiểu cho thấy, vào đầu những năm 1980, bà Loan có về chùa Diệu Nam để tu tập. Trong khoảng thời gian sinh hoạt tại chùa Diệu Nam, bà Loan nhiều lần tranh chấp sở hữu tài sản, đất cát của ngôi chùa với trụ trì và suốt từ những năm đó cho đến nay, sự việc tranh chấp này vẫn chưa dừng lại.
Theo Văn bản số 68/BTS-TƯ của Ban Trị sự Trung ương, Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo ngày 28/10/2019 về việc xác nhận thành phần giáo phẩm của Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo Trụ trì chùa Diệu Nam, cho biết: “Bà Lê Thị Loan (pháp danh Thích Đàm Thành) trước đây từng là tu sĩ Minh Sư Đạo có pháp danh Ngọc Tiến, nay đã tự ý cải đạo không còn sinh hoạt trong tổ chức tôn giáo Minh Sư Đạo tại chùa Diệu Nam…
Văn bản này cũng ghi rõ, bà Lê Thị Loan không phải trụ trì chùa Diệu Nam, không thuộc thành phần giáo phẩm do Giáo hội Phật Đường Nam Tông Minh Sư Đạo bổ nhiệm, tấn phong, quản lý, vì đã cải qua đạo khác, từ lâu đến nay không còn sinh hoạt tại chùa Diệu Nam… Bà Lê Thị Loan không được quyền quản lý, sử dụng tài sản, không có quyền lợi liên quan đến tài sản của chùa Diệu Nam…”.
UBND quận Hai Bà Trưng quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho người không liên quan đến chùa Diệu Nam |
Văn bản này được gửi đến Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND TP. Hà Nội; và các ban ngành của TP. Hà Nội như: Ban Tôn giáo, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND quận Hai Bà Trưng, Ban Quản lý dự án, đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng, UBND phường Trương Định…
Tuy nhiên, không hiểu phía UBND quận Hai Bà Trưng dựa vào căn cứ nào mà khi lên phương án chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại chùa Diệu Nam tại số 60 phố Đại La lại đưa tên bà Loan vào danh sách, trong khi đó đại diện hợp pháp của ngôi chùa là trụ trì Phạm Thị Là lại bị đẩy ra ngoài.
Cụ thể, tại Quyết định số 6688/QĐ-UBND ngày 31/12/2019, do ông Nguyễn Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký đã ra quyết định duyệt chi tiền bồi thường cho mảnh đất tại số 60 Đại La cho bà Lê Thị Loan cùng các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến gần 44 tỷ đồng.
Tiếp đó, ông Nguyễn Quang Trung lại ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam, tên đối tượng thừa hưởng vẫn là Lê Thị Loan và các thừa kế của cụ Thích Đàm Mến.
Sau quyết định này, đại diện chùa Diệu Nam đã có đơn khiếu nại và khẳng định việc bồi thường này là sai đối tượng vì bà Lê Thị Loan hoàn toàn không liên quan đến ngôi chùa cũng như Giáo hội. Mặc dù vậy trong các thông báo về chi trả bồi thường mảnh đất số 60 Đại La, chính quyền quận Hai Bà Trưng vẫn nêu đối tượng được thừa hưởng là bà Lê Thị Loan và các thừa kế của sư cụ Thích Đàm Mến.
Trước kiến nghị từ phía trụ trì chùa Diệu Nam, đến ngày 25/9/2020, chính quyền quận Hai Bà Trưng đã ra thông báo về việc tạm dừng chi trả số tiền gần 44 tỷ đồng bồi thường cho mảnh đất tại số 60 phố Đại La. Số tiền này tạm thời đưa vào Kho bạc nhà nước cho đến khi nào giải quyết xong các vấn đề tranh chấp thì sẽ tiến hành các thủ tục bồi thường…
Bài tới: Ai là người đủ pháp lý nhận tiền bồi thường của chùa Diệu Nam?