Trong khi nhiều nơi vẫn đang khắc phục hậu quả bão lũ thì thời điểm này, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Ninh đã nhanh chóng vực dậy, dần phục hồi các hoạt động du lịch.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thông tin, từ ngày 10-17/9, điểm đến này đón gần 30.000 lượt khách, trong đó, gần 90% là nước ngoài. Thực tế này cho thấy thương hiệu Vịnh Hạ Long đã trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách quốc tế trên hành trình trải nghiệm và khám phá Việt Nam.
Đến Vịnh Hạ Long, du khách quốc tế luôn lựa chọn tham quan: Động Thiên Cung, Hòn Gà Chọi, Hang Đầu Gỗ, Đảo Ti Tốp, Hang Luồn, Hang Ba Hang… Lượng khách ngoại chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu, châu Mỹ... Đặc biệt, số khách Hàn Quốc, Ấn Độ và Malaysia được ghi nhận tăng đột biến. Bởi Thu Đông cũng là mùa cao điểm đón khách nước ngoài của du lịch Quảng Ninh.
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết ngay khi cơn bão số 3 qua đi, đơn vị này đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương dọn dẹp, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Hiện có khoảng 359 tàu đang neo trú tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Trong đó, có 315 tàu đã sẵn sàng hoạt động trở lại bình thường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nhằm phối hợp với các địa phương đảm bảo an toàn cho du khách cũng như hoạt động du lịch sau cơn bão lịch sử, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Chúng tôi đã có định hướng với các địa phương trong việc tăng cường công tác quản lý điểm đến. Cục cũng đã ban hành văn bản đặc biệt đề nghị các cơ quan quản lý ngành ở địa phương tăng cường định hướng cho các doanh nghiệp du lịch không đưa khách đến những điểm đến có khả năng ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, thiên tai.”
“Với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ, các công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ là định hướng rõ nét cho tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch được thông suốt và thực hiện nghiêm, tránh rủi ro xảy ra trong quá trình kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho khách du lịch,” Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, đặc biệt trong đó có những chính sách hỗ trợ ngành du lịch.
Nghị quyết nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ đề ra nhằm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Đáng chú ý, liên quan đến hỗ trợ ngành du lịch, Chính phủ yêu cầu: Bộ Công Thương nghiên cứu việc áp dụng giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương khẩn trương trục vớt các tàu bị đắm do cơn bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, sớm đưa vào phục vụ khách du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được yêu cầu phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6/2025; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.