‘Dựa trên một câu chuyện có thật’: Hiện thực, hư cấu và sức mạnh của một nhà văn

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Quan niệm văn là người đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người đọc. Văn mang nhiệm vụ phản ánh hiện thực, văn đi sâu và đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm sự thật đằng sau những dòng văn,” TS. Mai Anh Tuấn bình luận tại buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật” của nhà văn nữ người Pháp Delphine de Vigan.
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Hiếu, Thùy Dung
Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Hiếu, Thùy Dung

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn học châu Âu, sáng 8/5, buổi tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật” của nhà văn nữ người Pháp Delphine de Vigan đã diễn ra tại Nhã Nam Book&Coffee, số 3 Nguyễn Quý Đức, Hà Nội. Với sự tham gia của tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang, tọa đàm đã gợi mở ra nhiều đề tài xoay quanh văn chương và hiện thực.

“Dựa trên một câu chuyện có thật” là một cuốn sách tuyệt vời lấy đề tài thao túng tâm trí, đã đạt giải thưởng Renaudot năm 2015. Trong tiểu thuyết này, nữ nhà văn Delphine de Vigan đã hóa thân vào câu chuyện và tái hiện chính mình. Với cô, việc viết nên cuốn sách còn thể hiện một cuộc chiến dai dẳng chống lại nỗi sợ viết lách. Đây là cuốn tiểu thuyết về nỗi kinh hoàng, nhưng cũng là một câu chuyện tràn đầy hy vọng.

Nỗi trăn trở của người viết

Tại buổi tọa đàm, TS. Mai Anh Tuấn và nhà văn Hiền Trang đã có nhiều chia sẻ xoay quanh cuốn tiểu thuyết. Hiền Trang chia sẻ, cô hoàn toàn đồng cảm với chứng sợ viết điển hình của nhân vật chính Delphine, đồng thời cũng đặt ra nhiều câu hỏi về ý nghĩa của việc viết đối với một nhà văn. Viết là một hạnh phúc, nhưng liệu khi viết chỉ để đáp ứng nhu cầu của độc giả, liệu có phải ta đang sống cho người khác? Và khi đó, nhà văn viết để giải thoát khỏi cái gì?

Đặt trong bối cảnh ghostwriter (cây bút “ma” - người nhận viết thuê nhưng không đứng tên tác phẩm) đang trở nên phổ biến, nỗi niềm trăn trở này càng trở nên day dứt hơn. Ghostwriter tuy đem lại nguồn thu nhập cho người viết, nhưng “khi mà họ không bao giờ viết câu chuyện của bản thân mình, liệu họ có thỏa mãn hay không?”

Người đọc và câu chuyện truy tìm sự thật

Sử dụng mô típ phân tâm học, cuốn sách “Dựa trên một câu chuyện có thật” đã tạo ra sự phản đề trong mối quan hệ giữa hai nhân vật chính là Delphine và L, từ đó gợi ra những băn khoăn về hiện thực và hư cấu trong văn chương. Theo TS. Mai Anh Tuấn, độc giả thường có xu hướng “soi bao nhiêu phần trăm là sự thật” trong tác phẩm văn học.

“Quan niệm văn là người đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người đọc. Văn mang nhiệm vụ phản ánh hiện thực, văn đi sâu và đời sống xã hội. Vì vậy, chúng ta luôn cố gắng tìm kiếm sự thật đằng sau những dòng văn,” TS. Mai Anh Tuấn trao đổi với người nghe tọa đàm.

‘Dựa trên một câu chuyện có thật’: Hiện thực, hư cấu và sức mạnh của một nhà văn ảnh 1
Đông đảo bạn đọc tham gia tọa đàm nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Dựa trên một câu chuyện có thật” của nhà văn nữ người Pháp Delphine de Vigan. Ảnh: Minh Hiếu, Thùy Dung

Nhà văn Hiền Trang và nhiều người tham gia tọa đàm khác cũng cho rằng, chính khả năng tin vào những điều không có thật đã khiến con người có xu hướng cố gắng tìm ra một chút sự thật dù ở bất cứ câu chuyện nào. Đó cũng chính là điều làm nên sức mạnh của văn chương. Tài năng của người viết không nằm ở chỗ họ đã hư cấu bao nhiêu, mà nằm ở việc họ đã biến những hư cấu đó trở nên thật như thế nào.

Sức mạnh của một nhà văn

Lấy ví dụ từ các bộ phim tài liệu và truyền hình thực tế khác, TS. Mai Anh Tuấn cho rằng, rất khó để có thể tìm được sự thật tuyệt đối trong bất kỳ một tác phẩm nào. Bởi lẽ, khi qua bàn tay và ngôn ngữ của người làm ra nó, tác phẩm đó đã mang hình hài, cảm xúc và bản ngã của chính họ.

“Chúng ta cố gắng phơi bày quá nhiều sự thật ra để thu hút khán giả. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang đánh mất khả năng nguyên thủy của con người: sức tưởng tượng, hư cấu và khả năng giải phóng bên trong chính sự tưởng tượng đó. Sức mạnh của một nhà văn nằm ở chỗ người ta bứt ra khỏi hiện thực như thế nào. Chúng ta nên nhìn vào năng lực sáng tạo của nhà văn thay vì cố gắng truy tìm sự thật đằng sau câu chuyện đó.” TS. Mai Anh Tuấn chia sẻ.

“Dựa trên một câu chuyện có thật” có cốt truyện rất đơn giản. Dù vậy, cuốn sách đã làm rất tốt việc đào sâu vào tâm lý con người, hay cụ thể hơn là tâm lý của một người viết, một người làm sáng tạo phục vụ công chúng. Bất kỳ ai, dù là người viết chuyên nghiệp hay chỉ đơn giản là đam mê việc viết lách, cũng đều có thể tìm được bản thân mình trong cuốn tiểu thuyết này của Delphine de Vigan..

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.