Các chuyên gia cho biết, mối đe dọa các bệnh viện ở Đức bị tin tặc tấn công là rất lớn. Các bệnh viện ở Đức từng là mục tiêu của các tin tặc, trong đó có vụ tấn công làm tê liệt Bệnh viện Đại học Düsseldorf hồi năm ngoái.
Ông Schönbohm cho rằng, BSI đã hợp tác với các chuyên gia phát triển các tiêu chuẩn bảo mật nhằm tăng cường an ninh mạng tại các bệnh viện Đức, song việc triển khai sẽ phải mất thời gian.
Dịch vụ Y tế cộng đồng Ireland (HSE) ngày 14/5 vừ qua thông báo hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan này đã phải ngừng hoạt động sau khi bị tin tặc tấn công. Tin tặc tuyên bố đã xâm nhập được vào mạng của HSE và đòi khoản tiền chuộc 20 triệu USD cho hơn 700 gigabyte dữ liệu cá nhân, số tiền mà chính quyền Ireland từ chối chi trả.
Mỹ cũng đã phải đối mặt với một số cuộc tấn công của tin tặc nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trong 6 tháng qua, trong đó vụ việc gần đây nhất là tấn công nhằm vào công ty Colonial Pipeline chuyên vận hành hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ.
Các chuyên gia BSI cho rằng trong đại dịch COVID-19, khi nhiều công việc phải xử lý bằng công cụ kỹ thuật số cũng là cơ hội của tin tặc. Nhiều công ty đã cho nhân viên làm việc tại nhà và vấn đề bảo mật không được quan tâm đầy đủ khiến nhiều hệ thống dễ bị tấn công.
Kết quả của một cuộc khảo sát với các công ty vừa và nhỏ có mô hình làm việc tại nhàcho thấy, khoảng 1/4 số công ty được khảo sát cho biết phải đối mặt với cuộc tấn công mạng được đánh giá là nghiêm trọng, thậm chí đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp.
Hình thức tấn công ngày càng chuyên nghiệp hơn và hầu hết các cuộc tấn công đều không có mục tiêu mà chúng chỉ tìm cơ hội, nơi chúng có thể xâm nhập để mã hóa dữ liệu và tống tiền.
Các chuyên gia nhận định, tin tặc muốn kiếm tiền và chúng không quan tâm mục tiêu là ai và đối khi chúng nhận thấy đã vô tình tấn công vào các cơ sở hạ tầng then chốt, điều mà chúng có thể không mong muốn, bởi có thể phải đối mặt với sự phản ứng của nhà nước.
Ông Schönbohm và ông Häger cùng cho rằng không cần phải quá lo lắng về vấn đề an ninh mạng của các nhà máy điện hạt nhân của Đức, bởi các hệ thống này phần lớn được xây dựng từ những năm 1980 và hầu như không được số hóa