Bộ Kinh tế Đức cho biết tháng trước, liên minh cầm quyền đã nhất trí rằng kể từ năm 2024, hầu hết các hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới trên toàn quốc sẽ chạy bằng 65% năng lượng tái tạo.
Theo dự luật trên, ngoài hệ thống sưởi mới, các tòa nhà cũng có thể sử dụng máy bơm nhiệt chạy bằng điện tái tạo, máy sưởi di động, hệ thống sưởi điện hoặc năng lượng Mặt Trời, như những giải pháp thay thế cho việc dùng bằng nhiên liệu hóa thạch.
Dự luật ước tính kế hoạch chuyển đổi có thể tiêu tốn của người dân khoảng 9,16 tỷ euro (10 tỷ USD) mỗi năm cho đến năm 2028. Chỉ đến năm 2029, chi phí mới giảm xuống còn 5 tỷ euro khi Đức dự kiến sẽ mở rộng năng lượng tái tạo cũng như tăng cường sản xuất máy bơm nhiệt nhằm giảm giá thành trong tiến trình chuyển đổi. Theo dự thảo luật, những người vi phạm quy định mới về hệ thống sưởi có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5.000 euro.
Mặc dù chính phủ cam kết sẽ trợ giúp để thay thế hệ thống sưởi chạy bằng dầu và khí đốt hiện nay cho các hộ gia đình nghèo hơn, đặc biệt miễn trừ cho những chủ nhà trên 80 tuổi đang sống trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chính sách trên đã vấp phải sự phản đối trong nội bộ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz. Những người chỉ trích gọi nó là quá tốn kém và là gánh nặng đối với các hộ gia đình và người thuê nhà có thu nhập thấp và trung bình.
Kết quả cuộc khảo sát của công ty thăm dò ý kiến Forsa do đài truyền hình NTV và RTL công bố ngày 19/4 cho biết hiện có 78% người Đức vẫn phản đối kế hoạch chuyển đổi trên. 62% những người được hỏi cho rằng hóa đơn sưởi ấm của họ sẽ tăng sau khi chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Việc Đức thúc đẩy việc loại bỏ khí đốt trong hệ thống sưởi ấm trở nên cấp bách hơn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến Đức phải ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Với gần một nửa trong số 41 triệu hộ gia đình tại Đức dùng sưởi chạy bằng khí đốt tự nhiên trong khi gần 25% số gia đình sử dụng sưởi chạy dầu, hiện hệ thống sưởi ấm nước này sử dụng hơn 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm.
Nghiên cứu của viện Agora cho biết với chính sách mới, Đức sẽ phải đóng cửa hơn 90% mạng lưới phân phối khí đốt trên hệ thống dài 500.000 km trong 20 năm tới.