Theo news.com.au, đứt gãy nằm dưới đáy biển Banda được biết đến từ cách đây 90 năm. Tuy nhiên cho đến gần đây, các nhà địa chất học mới lần đầu tiên giải thích được cơ chế hình thành nên đứt gãy này.
Điều này có thể tạo ra bước đột phá trong công tác dự báo sóng thần tại khu vực vốn là một phần của "vành đai lửa" Thái Bình Dương", nơi xảy ra 90% các trận động đất trên thế giới.
"Vực sâu dưới đáy biển Banda hình thành bởi sự mở rộng của đứt gãy bề mặt trái đất có lẽ là lớn nhất từng được phát hiện", tiến sĩ Jonathan Pownall từ Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho biết.
Bằng việc phân tích những bản đồ có độ phân giải cao về đáy biển Banda, các nhà khoa học từ ANU và Đại học Hoàng gia Holloway London đã phát hiện ra rằng lớp đá cấu tạo nên đáy biển bị chia cắt bởi hàng trăm vết rạch thẳng song song.
Những "tổn thương" này cho thấy một mảnh của vỏ trái đất với kích thước lớn hơn nước Bỉ hay đảo Tasmania của Australia nhiều khả năng đã bị tách rời khi một khe nứt hẹp mở rộng ra đến 120 km, hình thành nên hố sâu khổng lồ dưới đáy đại dương hiện nay.
Đứt gãy Banda Detachment nằm ở phía đông Indonesia, thuộc vành đai lửa Thái Bình Dương. Đồ họa: Daily Mail. |
Tiến sĩ Pownall cho hay ông bất ngờ thấy những địa hình nhô lên trùng khớp với sự mở rộng bề mặt của vết nứt đáy biển trong một chuyến hành trình ở khu vực đông Indonesia hồi tháng 7.
"Tôi hoàn toàn choáng ngợp khi chứng kiến hiện tượng đứt gãy thường nặng về lý thuyết này. Nó không còn chỉ nằm trên màn hình máy tính và hiện ra ngay trên những con sóng", nhà khoa học Australia nói.
Tiến sĩ Pownall khẳng định phát hiện về Banda Detachment (tạm dịch: sự tách rời ở Banda), tên gọi mới được đặt cho đứt gãy nói trên, sẽ giúp đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn về động đất và sóng thần.
"Ở một khu vực có nguy cơ sóng thần cực cao, hiểu biết về những đứt gãy lớn như Banda Detachment, thứ có thể gây nên động đất lớn khi chúng vận động, vô cùng quan trọng đối với việc đánh giá chính xác những nguy cơ kiến tạo đang rình rập".