Facebook: “Băng đảng xã hội đen công nghệ”
Ngày 19.2, Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc đã công bố kết quả của cuộc điều tra kéo dài 18 tháng đối với Facebook và nền tảng mạng xã hội khác về vai trò trong việc truyền bá tin giả và các thông tin sai lệch. Trong bản báo cáo dài 108 trang, các nhà lập pháp kêu gọi thành lập một cơ quan độc lập quản lý mạng xã hội và ban hành bộ quy tắc bắt buộc. Nếu vi phạm, các công ty này có thể phải trả “khoản tiền phạt lớn”.
Báo cáo cho biết: “Các công ty như Facebook không được phép hành xử như ‘băng đảng xã hội đen công nghệ’ trong thế giới trực tuyến. Công ty tự coi mình là người tiên phong và phá vỡ ranh giới luật pháp”.
Ủy ban cáo buộc Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã thể hiện sự “khinh miệt” vì từ chối điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ và EU về hoạt động thu thập dữ liệu của công ty vào năm 2018.
Chủ tịch Ủy ban Damian Collins nhận định: “Mark Zuckerberg liên tục không thể hiện trách nhiệm lãnh đạo, thứ được mong đợi từ người điều hành một trong những công ty lớn nhất thế giới”.
CEO Facebook Mark Zuckerberg đã nhiều lần từ chối xuất hiện trong buổi điều trần của quốc hội Anh. Ảnh: Times |
Trong một tuyên bố của Facebook, công ty cho biết đã đóng góp “đáng kể” cho cuộc điều tra, cung cấp bằng chứng, trả lời 700 câu hỏi và điều chỉnh “luật riêng tư” trên nền tảng.
Nhà quản lý chính sách công của Facebook, Karim Palant phân trần rằng: “Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi đã không còn là công ty như cách đây một năm”.
“Facebook tiếp tục đặt lợi nhuận lên trên an toàn dữ liệu”
Báo cáo Ủy Ban cũng tiết lộ một loạt e-mail nội bộ liên quan đến vụ kiện giữa Facebook và công ty Six4Three. Cụ thể, Facebook đã cấp cho nhà phát triển ứng dụng Mỹ quyền truy cập đặc biệt vào dữ liệu cá nhân của người dùng.
Nếu không trả phí, các nhà phát triển sẽ bị “bỏ đói” thông tin. Six4Three cho biết Facebook đã xem xét chặn ứng dụng của họ vì công ty không chịu chi “ít nhất 250.000 USD/năm để duy trì quyền truy cập dữ liệu”.
Ngoài ra, các nhà lập pháp Anh đã phát hiện bằng chứng Facebook sẵn sàng “ghi đè thiết lập quyền riêng tư của người dùng để chuyển dữ liệu cho một số nhà phát triển ứng dụng”. Họ kêu gọi Ủy ban bảo vệ dữ liệu và chống độc quyền Anh tiến hành điều tra chi tiết về sai phạm này.
Các nhà lập pháp Anh nói: “Rõ ràng Facebook thừa hiểu nhưng vẫn cố ý vi phạm quyền riêng tư dữ liệu và luật chống độc quyền”.
Ngoài ra, Ủy ban bày tỏ sự ủng hộ chính phủ Anh trong cuộc điều tra các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google về hành vi độc quyền trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Các nhà lập pháp đề xuất bộ “Quy tắc đạo đức”, được giám sát bởi cơ quan quản lý độc lập, yêu cầu mạng xã hội phải xóa “nội dung độc hại” trên nền tảng.
#DeleteFacebook không phát huy hiệu quả
Báo cáo của Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh Quốc xây dựng dựa trên những phát hiện vào tháng 7.2018, nhằm kêu gọi sự giám sát chặt chẽ với tất cả nền tảng mạng xã hội và công ty công nghệ lớn. Nội dung tập trung vào vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập trái phép thông tin cá nhân cá nhân của 50 triệu người dùng.
Bất chấp bê bối dữ liệu và khủng hoảng niềm tin, chiến dịch kêu gọi xóa Facebook “#deletefacebook đã không phát huy hiệu quả như mong đợi. Thực tế, giá cổ phiếu của Facebook sau đó vẫn tăng 3% và công ty khẳng định với các nhà đầu tư rằng dòng tiền quảng cáo tiếp tục được đổ vào nền tảng.
Tại sao bạn không thể thoát khỏi Facebook?
Mặc dù tất cả đều biết về vi phạm dữ liệu cá nhân của Facebook, nhưng chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ. Facebook rõ ràng đã ăn sâu vào cuộc sống. Nền tảng này hiện sở hữu 2,2 tỷ người dùng và nó là một phần không thể thiếu trong thế giới trực tuyến. Từ bỏ Facebook cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ WhatsApp và Instagram, 2 trong số những ứng dụng giao tiếp phổ biến nhất thế giới.
Bên cạnh đó, có rất nhiều dịch vụ bên thứ 3 yêu cầu tài khoản Facebook. Facebook đã len lỏi vào mọi khía cạnh của cuộc sống số. Thậm chí, nhiều người còn được yêu cầu dùng Facebook cho công việc hoặc quảng bá dịch vụ.
Chúng ta hiểu rằng vi phạm quyền riêng tư là sai về mặt đạo đức, nhưng vẫn chấp nhận để Facebook tác động lên hoạt động thường nhật.
Lý do khác, theo nghiên cứu của trường Open University, con người có một sở thích kỳ quái là kiểm tra và đánh giá người khác qua bạn bè trên mạng xã hội. Nỗi sợ bỏ lỡ một sự kiện thú vị khiến chúng ta âm thầm dùng lại Facebook.
Theo CCN