Các nghị sĩ cũng lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra về các hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ mạng xã hội.
Những lời “buộc tội” dành cho trang mạng xã hội Facebook đã xuất hiện trong một báo cáo dài 108 trang được viết bởi các thành viên của Nghị viện. Nhóm các nhà lập pháp đã đi tới kết luận rằng Vương quốc Anh nên áp dụng các quy định mới để có thể buộc Facebook và các đồng nghiệp công nghệ của họ ở Thung lũng Silicon phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm kỹ thuật số.
"Những công ty như Facebook không được phép hành xử như những kẻ 'xã hội đen của giới kỹ thuật số'. Họ đã tự cho mình cái quyền đứng ra khỏi khuôn khổ pháp luật”, báo cáo của các nhà lập pháp Anh cho biết.
Nhóm nghị sĩ cũng lên tiếng cáo buộc Facebook đã cố tình đặt đối thủ của mình vào thế bất lợi bằng cách hạn chế quyền truy cập vào trang web và dữ liệu người dùng có giá trị. Các nhà lập pháp khẳng định chính phủ Anh nên điều tra xem liệu Facebook có sử dụng vị trí thống trị của mình trên các phương tiện truyền thông xã hội để quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp khác hay không.
Trong một tuyên bố, Facebook cho biết họ đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với các hoạt động kinh doanh và quy định được hỗ trợ trong các lĩnh vực bao gồm quyền riêng tư. Tuy nhiên công ty này cũng lên tiếng phủ nhận việc đã vi phạm bất kỳ điều luật nào ở Anh.
Lời cáo buộc từ nhóm Nghị sĩ Anh đã dâng cao thêm “sóng gió” dành cho gã khổng lồ công nghệ trong thời gian gần đây. Điều này có thể khiến Facebook phải đối mặt nhiều hơn với các cáo buộc về vấn đề chính trị và pháp lý trên toàn cầu, làm leo thang nguy cơ bị phạt tiền và các hình phạt khác.
Tại Mỹ, Facebook cũng đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang điều tra. Ủy ban này đang cân nhắc xem liệu Facebook có thực hiện đúng theo thỏa thuận năm 2011 về vấn đề cải thiện các hoạt động bảo mật hay không. Nếu bị buộc tội vi phạm, gã khổng lồ công nghệ sẽ phải bồi chi trả khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ đô la.
"Các công ty công nghệ lớn không được phép mở rộng theo cấp số nhân mà không bị ràng buộc hoặc giám sát bởi bất cứ quy định nào. Chỉ có chính phủ và luật pháp mới đủ mạnh để kiềm chế họ”, các nhà lập pháp Vương quốc Anh khẳng định.