Facebook vừa xóa nhầm một bài đăng chỉ trích những bình luận của Thủ tướng Australia về chế độ nô lệ tại đất nước này, trong đó có một bức ảnh chụp từ cuối những năm 1800 ghi lại cảnh những người đàn ông thổ dân bản địa bị quàng xích vào cổ, vì cho rằng đây là ảnh khỏa thân.
Hôm thứ Năm vừa rồi, Thủ tướng Scott Morrison đã phát biểu rằng Australia không có chế độ nô lệ.
Một ngày sau, ông đã phải rút lại phát ngôn đó và thừa nhận phần lịch sử về những nô lệ da đen bị bắt cóc (blackbirding) của Australia - ở đó, họ bị lừa dối hoặc dùng vũ lực ép buộc làm việc như những nhân công có giao kèo.
Ông cho biết những bình luận mình đưa ra hôm thứ Năm liên quan đến những nguyên tắc đã tồn tại khi thuộc địa New South Wales được thành lập - rằng sẽ không có chế độ nô lệ hợp pháp ở Australia.
Sau những phát ngôn của Thủ tướng hôm thứ Năm, một cuộc tranh luận sôi nổi về lịch sử chế độ nô lệ ở Australia đã nổ ra trên mạng xã hội.
Một người Australia đã đăng bài về chủ đề này trên trang Facebook cá nhân, kèm theo một bức ảnh gồm chín người đàn ông thổ dân bản địa mặc khố và bị xích cổ lại với nhau. Bức ảnh được chụp ở ngoại ô Roebourne Gaol vào năm 1896.
"Bị bắt cóc, bị cướp khỏi vòng tay những người thân yêu và bị ép buộc phải lao động đến kiệt sức: Hiện thực tàn khốc của một công nhân Kanaka - vậy mà Scott Morrison lại khẳng định rằng 'không có chế độ nô lệ ở Australia'," bài đăng này viết.
Bức ảnh lấy từ thư viện tiểu bang Tây Australia gọi những người đàn ông này là những tù nhân, và đã được chia sẻ trong những bài viết về phát ngôn của ông Morrison trên tờ Daily Mail.
Bài đăng này đã bị Facebook xóa, còn chủ nhân bài đăng thì bị hạn chế tài khoản, với lý do rằng bức ảnh này là ảnh khỏa thân và do đó vi phạm các chuẩn mực cộng đồng của trang mạng xã hội này.
Bài đăng này sau đó đã được khôi phục sau khi tờ Guardian Australia yêu cầu Facebook kiểm tra xem bức ảnh có bị đánh dấu sai hay không. Facebook đã xin lỗi người dùng nói trên vào tối muộn hôm thứ Sáu và khôi phục lại bài đăng này.
Một người phát ngôn của Facebook cho biết bức ảnh đã bị hệ thống tự động xóa nhầm. "Chúng tôi xin lỗi vì sự nhầm lẫn này," cô nói.
Vào sáng thứ Bảy vừa rồi, Facebook cũng đã chặn những người dùng chia sẻ câu chuyện của Guardian Australia dựa trên việc sử dụng bức ảnh này.
Theo báo cáo chuẩn mực cộng đồng mới nhất của Facebook, từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, Facebook đã xóa 39,5 triệu nội dung hình ảnh khỏa thân hoặc hoạt động tình dục, trong số này có 99,2% được xóa tự động mà không cần người dùng báo cáo.
Thông qua quy trình kháng cáo mà Facebook đang áp dụng, đã có 2.5 triệu đơn kháng cáo được gửi đến và 613.000 nội dung được khôi phục.
Năm 2016, sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ, Facebook đã phải xuống nước và rút lại lệnh cấm bức ảnh chụp cô bé Kim Phúc chạy trốn khỏi một vụ tấn công bằng bom napalm trong Chiến tranh Việt Nam vì cho rằng bức ảnh này có yếu tố khỏa thân và cần được kiểm duyệt.
Cùng năm này, Facebook cũng đã phải đối mặt với sự chỉ trích ở Australia vì chặn tài khoản của nhà văn Celeste Liddle bốn lần sau khi cô chia sẻ đoạn giới thiệu một chương trình hài kịch bản địa, trong đó có hình ảnh những người phụ nữ sa mạc để ngực trần.
Những kẻ khiêu khích liên tục báo cáo rằng nội dung này là "không đứng đắn," và Facebook dựa theo đó liên tục xóa đoạn video này và khóa tài khoản của Liddle.