Chủ đề thân phận người nhập cư đã nhiều lần được đưa lên phim ảnh Hollywood. Từ hài hước như Moscow on the Hudson (1984) đến điều tra tội phạm nghẹt thở như Crossing Over (2009), hoặc lịch sử - tâm lý như Brooklyn (2015), đều rất thành công ở cả khía cạnh doanh thu phòng vé lẫn giá trị nghệ thuật. Đã có hàng trăm bộ phim về người nhập cư, nhưng có lẽ chưa bao giờ công chúng Việt Nam nghĩ rằng sẽ có ngày một người Việt Nam làm phim về người nhập cư ở Mỹ. Và thành công.
Chuyện bắt đầu từ một quán ăn nhỏ ở khu China Town, nơi mà bà chủ kiêm nhân viên chạy bàn, còn người giúp việc duy nhất là một thanh niên cả ngày chỉ cắm mặt vào rửa hết chồng bát này đến chậu đĩa khác. Cao trào phim được đẩy rất nhanh, khi bà chủ trả tiền công, và hai bên mâu thuẫn vì số tiền quá ít ỏi. Trong cơn giận dữ vì bị sỉ nhục và đe doạ bởi thân phận nhập cư lậu, người đàn ông giúp việc tấn công làm bà chủ ngã gục trong vũng máu. Nhưng đúng lúc anh ta vơ hết tiền trong quầy để trốn, thì cậu bé con của bà chủ đi học về…
Chỉ dài đúng 12 phút 41 giây, Flystruck là một phim ngắn mẫu mực về cấu trúc, với những bit (1) liên tục, tạo tiết tấu phim nhanh, gấp, cuốn hút. Những nguyên tắc vàng của phim ngắn (2) không những được thực hiện triệt để, mà còn nâng lên đẳng cấp mới với những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân đậm nét.
Những góc máy hẹp và thiếu sáng tạo cho không khí phim một vẻ chật chội bí bách. Bù vào đó, sự vững tay rất nhà nghề trong những cú máy chuyển động dài khiến mạch phim không bị đứt quãng và hoà nhập rất ngọt với tình tiết leo thang éo le của câu chuyện. Ba nhân vật đều diễn xuất khá tốt, đặc biệt là người giúp việc - một thanh niên trẻ tìm kiếm giấc mơ Mỹ, nhưng quẫn bách với thân phận yếu thế của một người nhập cư lậu. Phim có bạo lực, có máu, có những phút thắt tim, nhưng lại không có cái ác. Không ai ác, bởi vì họ đều có lý do cho cuộc mưu sinh của mình.
Có mẹ người Việt và bố là người Pháp, San Yvin lớn lên ở Hà Nội rồi theo đuổi niềm say mê điện ảnh ở Hoa Kỳ. Rất thẳng thắn, cậu nhìn nhận mình là một người nhập cư. Và vì thế, cái nhìn với những người nhập cư tại Mỹ của San là cái nhìn với tâm thế từ bên trong. Nhưng cái bên trong đó, là trong của một tâm hồn Việt, dù rằng Flystruck lấy bối cảnh China Town, và các nhân vật nói tiếng Hoa pha tiếng Anh.
“Flystruck là từ do em nghĩ ra, khi đọc lên nó gợi liên tưởng đến một cú đập ruồi. Có sự liên tưởng đến thân phận những người nhập cư. Tuy nhiên, khán giả xem phim có lẽ đa phần đều không thấy cảm xúc tiêu cực. Thậm chí những lát cắt êm dịu nhất của tuổi thơ đã được em đưa vào như một lời tri ân những người đã yêu thương em khi em lớn lên trong nhà hàng của bố mẹ ở Hà Nội. Cảnh người thanh niên giúp việc kéo chăn cho cậu bé con bà chủ ngủ một cách dịu dàng, chính là thông điệp đó” – San Yvin cười.
San Yvin (giữa) và ekip làm phim Flystruck |
Đạo diễn kiêm nhà sản xuất của phim Flystruck - San Yvin là một trong hai sinh viên Việt Nam được vào Đại học New York khoa Điện ảnh cho đến thời điểm này. Kinh phí làm phim 12.000 đô la, San có được từ nguồn kêu gọi cộng đồng (3) phần lớn. Điều đó cho thấy, những nhà làm phim trẻ không chỉ có năng lực sáng tạo, họ còn có khả năng kết nối rất tốt với công chúng, chủ động tạo ra công chúng của mình ngay cả trước khi sản phẩm điện ảnh ra đời. Đó là thế mạnh rất hiện đại, mà những thế hệ làm điện ảnh trước đây không dễ có được.
San Yvin cho biết, nhà làm phim mà cậu yêu thích nhất là đạo diễn gốc Việt nổi tiếng thế giới: Trần Anh Hùng (4) - người mà cậu gọi là thầy.
“Em lớn lên trong nhà hàng của bố mẹ ở Hà Nội. Nơi mà mùi thực phẩm, mùi thức ăn, và đủ loại ngôn ngữ từ khắp mọi nơi dồn tụ lại. Em luôn nhớ căn bếp ấy, và luôn muốn làm phim về một quán ăn” – San Yvin chia sẻ về lý do anh chọn bối cảnh làm phim Flystruck – “Em sẽ không chuyển thể Flystruck thành phim dài. Nhưng một ngày nào đó em sẽ về Việt Nam, làm một saga (5) về một gia tộc đi lên từ một nhà hàng. Xuyên qua lịch sử thịnh suy của đất nước, với những cuộc cách mạng, rồi kháng chiến, rồi xây dựng đất nước trong thời đại mới… nhưng vẫn là gia tộc đó, và nhà hàng đó..”.
---------
(1) Bit: Một đoạn phim nhỏ nhưng nổi bật, ngôn ngữ Việt Nam thường gọi là cảnh “đinh” hoặc cảnh “ăn tiền”.
(2) 7 nguyên tắc vàng của phim ngắn do Stéphanie Joalland – Raindance vạch ra và được đưa vào giáo trình đào tạo của các trường điện ảnh hiện đại: 1/ Càng ngắn càng tốt; 2/ Sát thực tế; 3/ Dùng hình ảnh để kể chuyện; 4/ Tìm kiếm các khoảnh khắc giá trị; 5/ Kể một câu chuyện; 6/ Phải thật cuốn hút; 7/ Tránh những điều cũ kỹ.
(3) Crowdfunding: Hình thức kêu gọi đóng góp kinh phí từ cộng đồng để tác giả hoàn thành 1 tác phẩm (thường là sách, phim ảnh, hoặc sản phẩm có tính ứng dụng).
(4) Trần Anh Hùng: Đạo diễn nổi tiếng người Pháp gốc Việt, sinh năm 1962, các tác phẩm “Mùi đu đủ xanh”, “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Xích lô”… Năm 2008, Trần Anh Hùng đã được mời đạo diễn phim chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết nổi tiếng Rừng Na Uy của nhà văn Murakami Haruki.
(5) Saga: Một loạt phim có nhiều phần, nội dung liên quan đến nhau.