Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, BHXH Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Tài chính triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT hiệu quả; giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT giai đoạn năm 2019 đến 2022; bổ sung thêm nhiều nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia BHYT. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kịp thời thanh toán chi phí KCB BHYT vượt tổng mức thanh toán theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP cho các cơ sở y tế phục vụ công tác KCB.
Còn theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, nếu năm 2022 chỉ có hơn 150 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, thì đến năm 2023, con số này lên tới 175 triệu lượt (tăng 15%). Số chi bảo hiểm y tế cũng lên tới trên 123 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2022.
Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết, năm 2023 thành phố có nhiều giải pháp giảm chi phí y tế và giảm ngày điều trị, song số lượt khám chữa bệnh trái tuyến tăng tới 50,3% số chi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân ngoại tỉnh. Năm qua, thành phố chi cho 12,6 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, với số tiền trên 22 nghìn tỷ đồng. Số chi bảo hiểm y tế của Hà Nội tăng cao, ảnh hưởng đến các tuyến y tế đã được thiết lập từ trước, cũng như chất lượng khám chữa bệnh.
Do đó, lãnh đạo Hà Nội đề nghị đánh giá chính sách thông tuyến khám chữa bệnh đối với tuyến huyện, tuyến tỉnh để sửa đổi phù hợp. Trong đó, cần tập trung nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở và thực hiện đánh giá các mô hình triển khai ở các địa phương đảm bảo hiệu quả.
Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng sớm thanh toán số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt tổng mức từ 2019 - 2022 cho Hà Nội và các năm tiếp theo.
Tại TP Hồ Chí Minh, chi BHYT năm 2023 tổng mức vượt dự toán 800 tỉ đồng. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh gặp khó khi số người khám chữa bệnh TP Hồ Chí Minh có khoảng 50% tổng số ngoại tỉnh, nên thường vượt định mức thanh toán bảo hiểm y tế. Do đó, Thành phố đề nghị BHXH Việt Nam sớm cấp cho dòng tiền này, để các bệnh viện có nguồn mua thuốc men phục vụ cho việc khám, chữa bệnh.
Về lâu dài, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét lại phân bổ dự toán chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, do TP Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội thường có số lượng lớn người khám chữa bệnh ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành BHXH đã trình Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội để thông qua và dự kiến tạm ứng 80% kinh phí vượt tổng mức dự toán theo quy định.