Trang bìa Hương Quê |
Hai đại thụ viết chung chuyên mục
Khoảng năm 2014, trong một cuộc giao lưu của tập san Áo Trắng và Gia đình Áo Trắng Bình Dương, ông Nguyễn Minh Nhựt khi đó là Giám đốc NXB Trẻ đã tình cờ gặp được tiến sĩ Nguyễn Văn Đông, giảng viên trường ĐH Thủ Dầu Một. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đông cho biết ông sưu tập gần như trọn bộ tạp chí Hương Quê có đăng các truyện ngắn của hai nhà văn Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Từ cơ duyên ấy, NXB Trẻ được tiến sĩ Nguyễn Văn Đông cung cấp toàn bộ tạp chí Hương Quê. Năm 2018 tập truyện Hương Quê với 44 truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc đã được ấn hành. Và tập truyện Hương Quê với 23 truyên ngắn của Sơn Nam cũng vừa được NXB Trẻ cho ra mắt bạn đọc. Có thể nói hai tập truyện Hương Quê gần như khái quát đầy đủ đời sống, phong tục của người nông dân và làng quê Nam bộ qua ngòi bút của hai đại thụ Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam.
Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc không chỉ là hai đại thụ của văn chương Nam Bộ, mà còn là những nhà khảo cứu văn hóa, phong tục. Bởi vậy dù viết truyện ngắn hay tiểu thuyết, hai ông luôn lấy chất liệu từ văn hóa, phong tục, nề nếp sinh hoạt, cảnh quan miền Nam làm nguồn cảm hứng. Đọc tác phẩm của hai ông, không chỉ được thưởng thức các câu chuyện hấp dẫn mà còn nhấm nháp cả hương vị của một vùng văn hóa.
Truyện ngắn “Ông thầy rắn” của Sơn Nam in trên tạp chí Hương Quê – một tạp chí chuyên về khuyến nông và phát miễn phí cho nông dân từ hơn nửa thế kỷ trước. |
Các truyện ngắn trong Hương Quê thường bắt đầu bằng một chi tiết hoặc hình ảnh rất đỗi bình thường, sau khi đưa người đọc vào những quanh co kỳ thú, đến khi kết thúc lại khiến ta ngạc nhiên, bất ngờ “tưởng vậy mà không phải vậy”. Người đọc cảm nhận những nét đẹp đang ẩn dưới vẻ ngoài mộc mạc giản dị của những trải nghiệm từ bên trong mà ra. Chỉ những tâm hồn trưởng thành thật sự như Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam mới có thể đạt đến sự giản dị như vậy.
Giúp nhau sống và viết
Nhà văn Bình Nguyên Lộc tên thật là Tô Văn Tuấn, xuất thân trong một gia đình có mười đời sống tại Tân Uyên, Biên Hòa (nay là tỉnh Bình Dương). Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày (Tài), sinh tại quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang). Văn chương của hai ông là đại diện điển hình cho hai mảnh đất khác nhau của Nam Bộ gồm miền Đông và miền Tây. Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam cùng cầm tinh con cọp nhưng Bình Nguyên Lộc lớn tuổi hơn Sơn Nam đúng một con giáp.
Tại sao hai đại thụ làng văn Nam bộ lại thay nhau viết chung mục truyện ngắn trên Hương Quê? Trong hồi ký “20 năm giữa lòng đô thị” của Sơn Nam, ông thừa nhận khi rời quê Rạch Giá lên Sài Gòn vào năm 1955, dù có chút danh vọng gặt hái được ở chiến khu thì chẳng gây được sự chú ý gì ở Sài Gòn, khó khăn nhất là hội nhập với giới cầm bút Sài Gòn. Sơn Nam liên lạc được với nhà báo Dương Tử Giang từng quen biết trong chiến khu, được Dương Tử Giang giới thiệu cho nhà văn Bình Nguyên Lộc và ông đã được đàn anh hướng dẫn cách làm quen với làng báo Sài Gòn, nhất là các tuần báo.
Hai tập truyện ngắn cùng tên Hương Quê của Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. |
Bình Nguyên Lộc khuyên Sơn Nam phải siêng năng, chuẩn bị sẵn đôi ba cốt truyện đi chào hàng, nếu báo nào chịu in thì ngay hôm sau phải nộp bài để in. Đây là kinh nghiệm của ông trùm truyện feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ) Bình Nguyên Lộc, đã chí tình khuyên nhà văn Sơn Nam khi bước đầu lập thân bằng ngòi bút ở đất báo Sài Gòn mà ông đã biết. Nói Bình Nguyên Lộc là ông trùm truyện feuilleton vì thời đó có ngày ông viết đến 11 feuilleton trên các báo Sài Gòn.
Làm quen với làng cầm bút Sài Gòn, Sơn Nam nhận được nhiều sự chỉ bảo chí tình của Bình Nguyên Lộc, từ đó ông tìm ra được đề tài riêng để khai thác. Vùng đất nơi ông sinh ra trước đó rất ít được khai thác trên sách vở kể cả trong các nghiên cứu của người Pháp, Sơn Nam đã lấp đầy khoảng trống này với tác phẩm biên khảo đầu tay “Tìm hiểu đất Hậu Giang” và nhiều tác phẩm khảo cứu khác nữa để trở thành một nhà Nam Bộ học như sau này. Việc hai đại thụ Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam viết chung mục truyện ngắn trên tạp chí Hương Quê cũng từ mối duyên cầm bút ấy.