Gia lai là tỉnh thuộc Bắc Tây Nguyên (cùng Kon Tum), có đến 44 dân tộc thiểu số, chiếm gần 50% dân số và có xuất phát điểm thấp, có sự chênh lệch lớn giữa giữa kinh tế vùng thành thị và nông thôn.
Vì lẽ đó, Gia Lai đang có những chính sách để thu hút đầu tư vào các vùng nông thôn. Một trong những định hướng của tỉnh này là kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Thành lập các hợp tác xã liên kết với các nhà chế biến trên địa bàn để giúp cho người nông dân vùng sâu, vùng xa có thể phát triển kinh tế, làm giàu bằng chính sản phẩm nông nghiệp của mình. Qua đó, góp phần rút ngắn sự chênh lệch về kinh tế giữa vùng nông thôn và thành thị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết để phát triển Gia Lai, có 4 vấn đề trọng tâm mà tỉnh này sẽ tập trung thực hiện
Vấn đề thứ nhất, là là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng. Đối với Gia Lai thì rừng không chỉ là kinh tế, môi trường mà còn là văn hóa, sự sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
Vấn đề thứ hai, là tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Khó khăn hiện nay của Gia Lai là kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ. Địa phương sẽ kêu gọi đầu tư các tuyến đường giao thông trọng yếu. Gắn với kết cấu hạ tầng, địa phương sẽ tập trung xây dựng các vùng kinh tế.
Vấn đề thứ ba, chính là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử gắn với các di sản, danh lam thắng cảnh để phát huy du lịch. Phải có sự chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ từ người dân đến chính quyền, doanh nghiệp…Gắn với du lịch là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là cảnh quan kiến trúc ở đây.
Và cuối cùng, vấn đề thứ tư, là xây dựng nguồn nhân lực từ cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp để làm sao có được nguồn lực, trí tuệ thực hiện các nhiệm vụ trên.
Về các dự án đầu tư giữa TP.HCM và Gia Lai, ông ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia La, cho biết, hiện nay Sở KH&ĐT và Sở Công thương của 2 địa phương đang phối hợp để tham mưu cho UBND tỉnh tổng kết lại quá trình ký kết hợp tác giữa 2 địa phương, nhằm rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng phát triển trong thời gian tới nhằm thúc đẩy kinh tế của 2 địa phương.