Theo các nhà phân tích, sức ép vẫn đang đè nặng lên đồng USD khi gần đây các nhà đầu tư đã chuyển hướng quan tâm sang động thái của NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Nhật (BOJ) và chỉ cần có một tín hiệu nhỏ cho thấy các NHTW này sẽ thu hẹp lại chính sách kích thích của mình cũng đủ khiến đồng euro và yên Nhật tăng giá mạnh. Lẽ đương nhiên đó sẽ là một lợi thế đối với vàng.
Tuy nhiên, trước mắt trong phiên giao dịch cuối tuần, nhiều khả năng giá vàng sẽ chỉ có xu hướng lình xình đi ngang khi mà các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng đón đợi Báo cáo việc làm tháng 1 của Mỹ, bởi đây là một cơ sở quan trọng để Fed đưa ra quyết định lãi suất của mình
Từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng chủ yếu do USD giảm giá. Đồng bạc xanh xuống giá khi giới đầu tư trên toàn cầu cho rằng các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu chứ không riêng gì FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay.
Giá vàng trong nước phiên hôm qua được Tập đoàn DOJI chốt ở ngưỡng 3679 (mua vào) và 3689 (bán ra), trong khi đó Công ty VBĐQ Sài Gòn cho niêm yết giá cuối phiên tại mức 3676 (mua vào) và 3692 (bán ra).
Theo các công ty vàng, giao dịch trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bằng chứng là giá vàng trong nước diễn biến rất chậm và thường không theo kịp đà tăng của thế giới. Theo số liệu của hãng tin Reuters, giá vàng thế giới đã tăng 3% trong tháng 1. Như vậy, nếu phản ánh hết mức tăng này, giá vàng trong nước lẽ ra phải tăng hơn 1 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, trước diễn biến tăng giảm trong biên độ hẹp, nhà đầu tư trong nước tỏ ra hờ hững và gần như không có bất kỳ phản ứng rõ rệt nào.