Một nghiên cứu công bố trên trang Giga Science cho hay con mực khổng lồ này sở hữu bộ gene khổng lồ, ước tính hơn 2,7 tỷ cặp cơ sở DNA, trong khi ở con người là 3 tỷ cặp.
Caroline Albertin, đồng tác giả nghiên cứu trên phát hiện gene Hox và protein dẫn truyền tín hiệu Wnt có ở hầu hết loài động vật cũng được tìm thấy trong bộ gene loài mực khổng lồ, cho thấy kích thước khổng lồ của nó không phải đến từ quá trình sao chép toàn bộ bộ gene.
“Bộ gene của loài mực khổng lồ có cấu trúc rất giống các loài động vật khác”, Albertin cho biết, “Điều này có nghĩa là ta có thể hiểu rõ hơn về chính nhân loại thông qua quá trình nghiên cứu những con vật kỳ quái này”.
Nhà nghiên cứu cũng phát hiện trong bộ gene mực khổng lồ chứa hơn 100 gene trong họ protocadherin, loại gene hầu như không tìm thấy trong bộ gene của vô số động vật không xương sống khác.
Protocadherin rất quan trọng trong kết nối của một bộ não phức tạp. “Protocadherin được xem là nhân chứng cho sự đổi mới ở động vật có xương sống, vì vậy chúng tôi thực sự ngạc nhiên khi tìm thấy hơn 100 gene trong bộ gene bạch tuộc. Đó là minh chứng không thể thuyết phục hơn cho cách chúng ta phát triển bộ não phức tạp. Chúng tôi cũng tìm thấy sự khuếch đại tương tự các gene protocadherin ở loài mực khổng lồ”, Albertin nhận xét.
Năm 2015, Albertin dẫn đầu nhóm nghiên cứu giải mã trình tự bộ gene đầu tiên ở loài động vật thân mềm. Cô cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để hiểu làm thế nào một con mực có thể đạt kích thước như vậy.
“Bộ gene chính là cơ sở đầu tiên để trả lời rất nhiều câu hỏi về đặc tính sinh học của loài vật kỳ dị này”, Albert Albertin chỉ ra các đặc điểm như chúng sở hữu bộ não lớn nhất trong các loài động vật không xương sống, hành vi và khả năng ngụy trang tức thời.
Nhà nghiên cứu cũng cho rằng động vật chân đầu (lớp động vật thân mềm gồm phần lớn động vật sống trong biển với đặc trưng cơ thể đối xứng, phần đầu nổi bật, có nhiều tua phát triển từ chân các động vật thân mềm nguyên thủy) đã tiến hóa độc lập với động vật xương sống, dù chúng có rất nhiều đặc điểm rắc rối và phức tạp.
"Bằng cách so sánh bộ gene của chúng, chúng ta có thể đặt ra nghi vấn phải chăng động vật chân đầu và động vật xương sống được hình thành theo cùng một cách hay theo những phương thức khác nhau'', cô nói.
"Giải mã bộ gene loài mực khổng lồ này là bước ngoặc quan trọng trong việc hiểu được cách tiến hóa của một sinh vật chân đầu", cô kết luận, "Nó giúp chúng ta hiểu được các gene mới lạ đã phát sinh như thế nào trong quá trình tiến hóa và phát triển”.
Theo Smithsonian, mực khổng lồ lớn nhất từng được ghi nhận dài hơn 13m và nặng hơn 900kg.
Tháng 6/2019, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Mỹ lần đầu tiên phát hiện mực khổng lồ. Các nhà sinh học sau khi xem đoạn phim hiếm hoi ghi lại quá trình này đã phải thốt lên kinh ngạc.
Vì sự sống bí ẩn của mình, loài mực khổng lồ thường gắn với những câu chuyện thần thoại từ thời cổ đại. Dựa trên dữ liệu từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, đài quan sát Charlotte đã ghi nhận nhiều trường thủy thủ ngày xưa đã lầm tưởng mực khổng lồ này chính là nàng tiên cá hoặc sinh vật thần thoại nào đó.