Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cùng nhóm 6 ngân hàng phát triển đã đánh giá quá trình thu hút và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Việt Nam, đồng thời đi sâu phân tích, tìm ra những giải pháp triệt để khắc phục tình trạng giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm trong thời gian qua.
Việt Nam vượt trội so với các nước về kết quả dự án
Theo đánh giá chung của 6 nhà tài trợ, gồm Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Việt Nam “vượt trội hơn” so với tất cả các nước khác về kết quả của các dự án.
Tính đến năm 2018, Việt Nam đã tiếp nhận trên 80 tỷ USD nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, trở thành một trong những nước tiếp nhận nguồn vốn này nhiều nhất trên thế giới, trong đó khoảng 80% là của 6 ngân hàng trên.
Trong tổng số nguồn vốn tiếp nhận, 7 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại, trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,62 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỉ lệ giải ngân tại Việt Nam giảm từ mức cao 23,1% năm 2014 xuống còn 11,2% trong năm 2018, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của nhóm 6 ngân hàng, trong đó tỉ lệ giải ngân toàn cầu của ADB và WB năm 2018 lần lượt là 21% và 20,2%.
Chính phủ nhìn nhận rõ những tồn tại trong giải ngân vốn vay nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Chính phủ nhận diện rõ những tồn tại, cản trở trong việc giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và đã có những bước đi cụ thể để khắc phục tình trạng trên.
Nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do các quy định về thủ tục còn phức tạp, trùng lặp; mức độ sẵn sàng của dự án thấp; còn độ “vênh” về thủ tục giữa bên tiếp nhận là Việt Nam với các nhà tài trợ... dẫn đến tiến độ giải ngân chậm, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành một loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có Nghị định về cho chính quyền địa phương vay lại, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh hơn…
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tiếp nhận các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Nghị định thay thế các Nghị định 16 và 132; đồng thời đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng Nghị định nêu trên.
Theo Phó Thủ tướng, cần rút ngắn thời gian khởi động và thực hiện các dự án, đặc biệt là công tác đấu thầu, trên cơ sở làm rõ, sửa đổi các quy định liên quan đến nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; phối hợp hài hòa thủ tục giữa bên cho vay là các ngân hàng cũng như bên nhận là Việt Nam.
Cần xây dựng quy trình thủ tục cụ thể, rõ ràng, nhất quán về lập thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hằng năm đối với nguồn vốn nước ngoài trên nguyên tắc minh bạch hóa thông tin, trao đổi thường xuyên để bố trí vốn kế hoạch phù hợp.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, do đó Phó Thủ tướng đề nghị các ngân hàng cũng cần linh hoạt trong điều chỉnh vốn cho các dự án.
Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần xác định rõ những hạng mục chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để tạo thuận lợi cho việc xây dựng dự án và kế hoạch thanh quyết toán, đồng thời tránh nguy cơ đội vốn.
Chính phủ cũng sẽ xem xét điều chỉnh tỉ lệ cho vay với chính quyền địa phương phù hợp với từng lĩnh vực và thời hiệu áp dụng tỉ lệ này để tránh tình trạng phải điều chỉnh, phê duyệt nhiều do thay đổi chính sách.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các nhà tài trợ, thường xuyên kiểm điểm tình hình, đánh giá giải ngân các dự án, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, không chờ đến khi tổ chức Hội nghị vào cuối năm 2019 mới nêu ra vấn đề cần xử lý.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ trong bối cảnh Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA”, các nguồn vốn vay ưu đãi ngày càng hạn hẹp, trong khi lãi suất ngày càng tiệm cận lãi suất vốn vay thương mại, trách nhiệm của chủ dự án và hiệu quả sử dụng càng phải được đề cao.
Phó Thủ tướng đề nghị nhóm 6 ngân hàng phát triển phối hợp với Chính phủ xây dựng khung hợp tác phát triển để xác định rõ khả năng huy động nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho giai đoạn 2021-2025.